Thực hiện dự án cánh đồng lớn gắn với liên kết chuỗi: Nhìn từ “điểm sáng” Tuy Phước
Tiếp nối thành công từ 2 dự án xây dựng cánh đồng lớn sản xuất và tiêu thụ lúa giống tại xã Phước Hưng và Phước Sơn, vụ Ðông Xuân 2018 - 2019, huyện Tuy Phước tiếp tục xây dựng thêm 2 chuỗi liên kết tại xã Phước Lộc, Phước Quang và đều đạt kết quả khả quan.
Thành viên của HTXNN Phước Sơn, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước thu hoạch lúa bán cho DN.
Hài hòa lợi ích
Là đơn vị đầu tiên của huyện Tuy Phước và của cả tỉnh phối hợp với Công ty CP Tập đoàn Thai Binh Seed (tỉnh Thái Bình) thực hiện dự án cánh đồng lớn, bình quân mỗi năm HTXNN Phước Hưng, xã Phước Hưng có doanh thu từ bán lúa giống cho DN đạt hơn 4 tỉ đồng. Đây là nguồn thu lớn đối với một HTX ở vùng chuyên sản xuất lúa trong tỉnh.
Không chỉ có vậy, ngoài lợi ích về mặt kinh tế, theo ông Trần Tăng Long, Giám đốc HTX, nhờ thực hiện dự án cánh đồng lớn, HTX còn có điều kiện để xây dựng, nâng cấp hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng để phục vụ sản xuất; cán bộ HTX được nâng cao trình độ tổ chức sản xuất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung có quy mô lớn, nâng cao giá trị sản xuất. Qua đó, HTX từng bước xây dựng thương hiệu sản xuất lúa giống, thu hút sự quan tâm của nhiều DN, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Với 450 nông hộ ở 2 thôn Tân Hội và Lương Lộc trực tiếp thực hiện dự án cánh đồng lớn, lợi ích từ chuỗi liên kết mang lại cũng không hề nhỏ. Bà Nguyễn Thị Hải, ở thôn Tân Hội, chia sẻ: “Từ năm 2017 đến nay, tôi liên tục sử dụng 5 sào đất để sản xuất lúa giống BC15. Bình quân mỗi vụ tôi đã bán cho DN khoảng 1,8 tấn lúa giống, sau trừ chi phí còn lãi hơn 8 triệu đồng, cao gần gấp 2 lần so với làm lúa thịt. Từ nhiều năm nay, chúng tôi không còn lo “bí” đầu ra sản phẩm, thu nhập tăng cao, nên bà con thường nhắc nhở nhau thực hiện đúng quy trình sản xuất và không tự ý phá vỡ hợp đồng đã ký kết”.
Ngoài việc duy trì cánh đồng lớn tại xã Phước Hưng, năm 2019, Công ty CP Tập đoàn Thai Binh Seed còn phối hợp 2 HTXNN - Phước Sơn và Phước Quang thực hiện thêm 2 dự án xây dựng cánh đồng lớn với tổng diện tích 220 ha. Ngoài ra, Công ty CP Giống cây trồng Trung ương (Hà Nội) cũng thực hiện 1 dự án cánh đồng lớn tại xã Phước Lộc, diện tích 100 ha/vụ/năm. Theo ông Phan Văn Khiêm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, hợp đồng thực hiện các dự án sẽ kéo dài từ 3 - 5 năm, DN hỗ trợ HTX tổ chức sản xuất, cho nông dân mượn lúa giống, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân với giá cao hơn giá thóc thịt. Điểm đặc biệt quan trọng là hầu hết các cánh đồng lớn đều đạt hiệu quả kinh tế cao, nông dân tìm thấy lợi ích của mình trong việc thực hiện hợp đồng.
Hỗ trợ phát triển liên kết chuỗi
Nói về vấn đề chuỗi liên kết, ông Triệu Tấn Phú, Giám đốc Chi nhánh miền Trung - Tây Nguyên (Công ty CP Tập đoàn Thai Binh Seed), cho hay: Các HTXNN mà chúng tôi lựa chọn để hợp tác đầu tư đều đã có vùng sản xuất lúa tập trung, cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng khá hoàn chỉnh; nông dân áp dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đặc biệt là khả năng hợp tác của họ tốt. Một điểm quan trọng nữa là lịch thời vụ tại Bình Định nói chung, Tuy Phước nói riêng trái với lịch thời vụ của các tỉnh phía Bắc, là cơ sở để chúng tôi xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, qua đó nâng cao tính cạnh tranh, tăng hiệu quả đầu tư.
Xây dựng cánh đồng lớn gắn với liên kết chuỗi, góp phần nâng cao giá trị sản xuất theo hướng bền vững là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp; lợi ích rõ ràng như thế nhưng hiện vẫn có quá ít DN tham gia. Phải chăng chỉ một vài DN đủ năng lực chuyên môn, tiềm lực tài chính... để thực hiện? Hay còn có lý do nào khác?
Đưa câu hỏi này ra trao đổi thẳng thắn với đại diện một số DN trong và ngoài tỉnh chuyên sản xuất, kinh doanh lúa giống, nhiều người đã phủ nhận các nguyên nhân “năng lực chuyên môn, tiềm lực tài chính”. Nhiều vị chỉ rõ, thứ nhất diện tích đất sản xuất tại hầu hết các địa phương ở Bình Định quá manh mún. Điều này dẫn tới chuyện số hộ tham gia cánh đồng lớn quá nhiều. Bởi vậy rất khó vận động triển khai dự án, thống nhất áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác. Tại một số nơi, nhiều HTX không đại diện cho nông dân thực hiện ký hợp đồng với DN, trong khi đó DN không thể đến từng hộ dân để mua gom sản phẩm.
Hơn nữa, DN rất lo ngại việc nông dân tự ý phá vỡ hợp đồng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì vậy, có một câu chuyện rất cũ nhưng thường xuyên được nhắc lại, thay vì xây dựng dự án cánh đồng lớn, DN chỉ hỗ trợ một phần chi phí sản xuất cho nông dân, sau đó mua sản phẩm theo kiểu thuận mua vừa bán. Khi đó mức độ an toàn sẽ cao hơn dù rằng làm thế thì lợi ích của cả hai bên đều thấp hơn so với thực hiện cánh đồng lớn. Đặc biệt, một số đại diện DN còn cho rằng, để thực hiện được các dự án cánh đồng lớn, ít nhất ở giai đoạn vài năm đầu, ngành chức năng và chính quyền địa phương phải xắn tay vào việc, hỗ trợ và tác động nhiều mặt.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, thẳng thắn: Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với ngành chức năng và chính quyền các địa phương củng cố, nâng cao năng lực hoạt động của các HTX; quy hoạch diện tích sản xuất và ưu tiên các nguồn vốn để đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, tiếp tục kêu gọi các DN đầu tư xây dựng các dự án cánh đồng lớn và tư vấn, hướng dẫn các HTX đứng ra đại diện nông dân ký kết hợp đồng với DN thực hiện dự án cánh đồng lớn. Chúng tôi cũng nỗ lực thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn theo tinh thần Quyết định số 20/2015 của UBND tỉnh, đảm bảo lợi ích chính đáng cho các đối tượng tham gia cánh đồng lớn.
PHẠM TIẾN SỸ