Mở dây hụi phải khai báo
Lâu nay, vấn đề giật hụi, bể hụi khó truy tố trách nhiệm hình sự những người vi phạm bởi chế tài xử lý không rõ ràng. Tuy nhiên, kể từ ngày 5.4, Nghị định số 19/2019/NÐ-CP quy định về họ, hụi, biêu, phường chính thức có hiệu lực thi hành, đưa ra nhiều quy định siết chặt quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích các bên. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn luật sư Võ Hồng Nam, Trưởng Văn phòng Luật sư Nam Luật, Chủ nhiệm Ðoàn Luật sư tỉnh, xung quanh vấn đề này.
Một vụ vỡ hụi xảy ra tại xã Mỹ Thắng (huyện Phù Mỹ) vào năm 2018.
- Trong ảnh: Nạn nhân của vụ vỡ hụi tiền tỉ phản ánh vụ việc tới cơ quan báo chí.
Chơi hụi: phải làm văn bản
* Thời gian qua tỉnh ta xảy ra nhiều vụ giật hụi, bể hụi. Theo ông đâu là nguyên nhân dẫn tới sự việc này?
- Những người chơi hụi chủ yếu dựa vào niềm tin, cũng như khả năng chi trả của chủ hụi. Do vậy, khi đóng tiền thì giữa các bên chỉ có giấy viết tay sơ sài, thậm chí giao dịch tiền bạc có khi chỉ thực hiện bằng miệng. Đáng nói, chủ hụi thường phô trương tiềm lực kinh tế để các hụi viên tin tưởng. Khi đã tin, các thành viên tự nguyện giao tiền mà không cần biên lai; thay vào đó, chủ hụi chỉ đánh dấu vào sổ hụi và thanh toán lãi. Nhiều người thấy lãi cao, lại được thanh toán “sòng phẳng” nên đã dốc toàn bộ số tiền tiết kiệm được, thậm chí vay mượn để có tiền đóng hụi. Đến khi chủ hụi ôm tiền bỏ trốn hoặc tuyên bố vỡ nợ thì những nạn nhân này mới biết mình bị lừa.
* Nếu Nghị định 144/2006 cho phép các bên thỏa thuận về dây hụi bằng lời nói hoặc bằng văn bản thì quy định mới (Nghị định 19/2019) bắt buộc thỏa thuận này phải được thể hiện bằng văn bản. Ông cho biết cụ thể hơn về quy định này?
- Theo Nghị định số 144/2006 thì hình thức thỏa thuận dây họ được thể hiện bằng lời nói hoặc bằng văn bản. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều nơi việc chơi hụi phát triển với quy mô lớn, có tính chất phức tạp và bị biến tướng thành hình thức huy động vốn, cho vay lãi nặng. Nhiều trường hợp chủ hụi đã lợi dụng lòng tin của những người tham gia để chiếm đoạt tài sản. Đa phần hình thức thỏa thuận về dây họ, hụi là bằng miệng. Đến khi tranh chấp khởi kiện ra tòa án hoặc cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự thì việc giải quyết vụ án vô cùng khó khăn. Vì vậy, Nghị định 19 chỉ quy định một hình thức thỏa thuận về dây họ, hụi là phải thể hiện bằng văn bản. Khi những người chơi họ, hụi có yêu cầu, văn bản thỏa thuận đó được công chứng, chứng thực.
Văn bản thỏa thuận về dây hụi có những nội dung chủ yếu như: Họ, tên, số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu; ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của chủ hụi; số lượng thành viên; phần hụi; thời gian diễn ra dây hụi, kỳ mở hụi; thể thức góp hụi, lãnh hụi... Ngoài các nội dung nêu trên, văn bản thỏa thuận về dây hụi có thể có những nội dung về mức hưởng hoa hồng của chủ hụi; lãi suất; trách nhiệm ký quỹ hoặc biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác của chủ hụi.
Hụi viên được quyền đề nghị xử lý hình sự
* Khi phát sinh tranh chấp thì các thành viên và chủ hụi phải xử lý như thế nào cho đúng luật, thưa ông?
- Tại Điều 25 của Nghị định 19 có quy định, trong trường hợp có tranh chấp về họ, hụi thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hòa giải hoặc yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Thành viên, cá nhân, tổ chức liên quan có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác khi tham gia quan hệ về họ.
* Để tham gia dây hụi, theo Nghị định 19 quy định các thành viên là phải có tài sản, trong khi đó điều kiện này không áp dụng đối với chủ hụi, ý kiến của ông về vấn đề này?
- Đây cũng là một vấn đề bỏ ngỏ chưa được pháp luật quy định rõ ràng. Chính vì vậy, các chủ hụi có tài sản hay không, còn dựa vào uy tín trong quá trình làm ăn hay quen biết, giao dịch. Từ đó nhìn nhận rồi bầu ra chứ không dựa trên một mức quy định về tài sản cụ thể hay phải có tài sản đảm bảo để chịu trách nhiệm sau này trong trường hợp không có khả năng chi trả cho các thành viên của hụi.
Tôi nghĩ nên có thêm quy định đối với chủ hụi phải có tài sản bảo đảm thì mới bảo đảm quyền lợi cho các thành viên, nhất là khi chủ hụi vỡ nợ thì vẫn còn số tài sản bảo đảm này để thanh toán, chi trả cho các thành viên, người dân. Nhân đây, tôi cũng lưu ý người dân, các thành viên chơi họ, hụi cần phải lựa chọn chủ họ, hụi có tài sản thật sự và uy tín để chơi. Hoặc tốt nhất khi có ít tiền nên gửi vào ngân hàng có uy tín, tránh việc chơi họ, hụi gặp rủi ro, dẫn đến nợ nần khi bị chủ hụi tuyên bố vỡ nợ, bỏ trốn.
* Xin cảm ơn ông!
TRỌNG LỢI (Thực hiện)