Trôi về phía thân thương…
Ngô Văn Cư là thầy giáo, anh làm thơ, viết truyện in lai rai cũng vài tập sách, nhưng với Mây ở phía quê nhà (NXB Văn hóa Văn nghệ TP HCM, 2019), lần đầu tiên anh in một tập tạp văn.
Quê nhà - với Ngô Văn Cư, một nhà giáo hưu trí gần thất thập - là những miền xa ký ức - “Bây giờ nhớ lại một thời mà mỗi chúng ta khi nhắc đến đều nhớ quay nhớ quắt đến thèm thuồng, đến điên cuồng mà muốn được một lần trở về. Để thấy mình lại đang nằm đợi ngọn roi của cha, nghe tiếng nấc buồn của mẹ hoặc đang ngồi trong lớp học, có tiếng thầy cô trên bục giảng, có tiếng ve kêu buổi chớm hè, có ai đó đang ngơ ngẩn nhìn mình ở bàn kế bên… Giờ đây ai cũng lớn, già đi, mắt mờ, trí nhớ sút giảm nhưng những kỷ niệm thời thơ ấu bình dị, thân thương khó phai mờ theo năm tháng” (Trôi về phía cũ).
Nhắc đến quê nhà là nhớ luôn đến tuổi thơ đầy ắp những niềm vui dung dị, chân thành. Một thế giới tuổi thơ phong phú dành cho trẻ nhỏ của sự tương tác giữa những con người thực trong bình yên đồng làng, chất phác người quê chứ không phải là sự can dự của công nghệ hiện đại, sự loay hoay chạy theo nhịp độ sống tân tiến nhưng nhờ nhạt những giá trị tinh thần.
Nỗi nhớ của Ngô Văn Cư về miền quê hiển hiện cụ thể trong nỗi luyến tiếc về khu Rừng Cấm quê nhà, trong ký ức vẹn nguyên về bến Ba Cô, cầu Đồng Dài, về nét chợ quê ngày cũ, bánh cuốn của cụ Thiệt, về chiếc nón lá Vĩnh Đức, cây thị già Vạn Hội… Nét quê phai tàn, chỉ còn trong hồi ức khiến người đọc thêm bồi hồi. Khi nhận chân giá trị yêu thương thì quỹ thời gian dành cho người ta thương yêu thường chẳng còn bao nhiêu.
Tạp văn của Ngô Văn Cư vừa mềm mại vừa đằm thắm. Câu từ ý tứ trong tạp văn của Ngô Văn Cư giản dị và đáng mến như cách trò chuyện với bạn bè. Mây ở phía quê nhà nhờ vậy khơi được dòng hoài niệm, khiến người đọc yêu mến, đồng cảm.
VÂN PHI