Tàu vỏ sắt 67 nằm bờ giữa vụ biển chính
Đang trong thời vụ đánh bắt chính của năm, nhưng hàng loạt tàu vỏ sắt đóng mới theo Nghị định 67 (NĐ67) trị giá hàng chục tỷ đồng ở Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định… bị nằm bờ. Những ngư dân trước đây đi đầu hưởng ứng NĐ67 giờ sắp trở thành con nợ của các ngân hàng.
Tàu vỏ sắt NĐ67 làm nhiệm vụ hậu cần, nằm bờ vì không được chuyển đổi nghề. Ảnh: NGỌC OAI
Càng ra khơi càng lỗ
Gần 1 năm trời, tàu vỏ sắt Thành Đạt 08, công suất 829CV, phải nằm lì ở âu tàu Cửa Sót (thuộc xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Gặp phóng viên Báo SGGP, chủ tàu Nguyễn Văn Lòng (xã Thạch Kim) rầu rĩ: “Tàu tôi đóng hơn 13,5 tỷ đồng, vốn đối ứng của chủ tàu là 5%, ngân hàng cho vay 95%. Ban đầu kỳ vọng tàu sẽ vươn khơi đánh bắt hiệu quả, nhanh chóng hoàn trả nợ và nâng cao thu nhập. Nào ngờ trong 4 tháng đầu năm 2017, ra khơi được 6 chuyến đều thất thu, lỗ nặng. Trong 2 năm 2017-2018, tàu của tôi tiếp tục lỗ hàng trăm triệu đồng. Càng ra biển càng lỗ nên nằm bờ từ tháng 5-2018 đến nay. Hiện tôi đã mắc nợ xấu của ngân hàng, không biết khi nào mới trả xong”.
Ông Biện Ngọc Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim, cho biết: Tàu vỏ sắt của ông Lòng là tàu duy nhất trên địa bàn xã được đóng mới theo NĐ67. Trước đó, nhận thấy ông Lòng quá khó khăn, tỉnh Hà Tĩnh và huyện Lộc Hà cũng đã hỗ trợ ông 1 tỷ đồng để trả nợ, lãi ngân hàng rồi. Hiện ông Lòng muốn cải hoán tàu cá từ nghề câu khơi sang nghề lưới rê với số tiền 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong NĐ67 không có chính sách hỗ trợ cho trường hợp ông Lòng. Ngoài ra, ông Lòng hiện cũng không đủ khả năng để thế chấp ngân hàng vay tiếp 5 tỷ đồng nên hết cách. Để tháo gỡ khó khăn cho ông Lòng, UBND xã Thạch Kim chỉ còn cách vận động ông trả lại tàu vỏ thép cho Nhà nước thôi.
Tương tự, ở huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) cũng đang có hàng loạt tàu vỏ sắt đóng theo NĐ67 phải nằm bờ vì làm ăn kém hiệu quả. Theo ngư dân Võ Văn Hân (50 tuổi, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, chủ tàu vỏ sắt QNg 90303), riêng xã Bình Châu có đến 5 con tàu vỏ sắt đóng theo NĐ67 hiện đang nằm bờ vì làm ăn kém hiệu quả. Ngoài ra, các chủ tàu do bất mãn về các chính sách hỗ trợ và cách làm việc của ngân hàng, cơ quan bảo hiểm nên không thiết tha ra khơi.
“Tôi ra biển đánh bắt bị mất hết ngư lưới cụ, về làm hồ sơ để được bảo hiểm, nhưng đơn vị bảo hiểm “chạy làng”. Bây giờ tôi không còn kinh phí ra khơi. Không những thế, ngân hàng lấy luôn tiền Nhà nước hỗ trợ dầu hàng năm. Mới đây, bức xúc quá, tôi lên làm việc với ngân hàng để hoàn tất các thủ tục trả tàu lại cho họ, nhưng bây giờ họ vẫn chưa tìm ra người chuyển nhượng”, ông Hân nghẹn ngào.
Ngư dân Võ Văn Tình (ở xã Bình Đông, huyện Bình Sơn) cho biết: “Tàu tôi hỏng trong 3 chuyến biển gần đây lỗ gần 300 triệu đồng, giờ ngân hàng chặn lấy tiền hỗ trợ dầu của Nhà nước thì hết đường. Trong 400 triệu đồng tiền hỗ trợ dầu của Nhà nước hàng năm, tôi mong phía ngân hàng chỉ lấy 200 triệu đồng, còn 200 triệu đồng để lại cho tui trả công cho bạn tàu nữa. Chứ lấy hết thì tiền đâu tôi trả cho bạn tàu ra khơi bám biển…”.
“Vỡ mộng” tàu hậu cần
Ở cảng cá Đề Gi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, Bình Định) có 3 tàu vỏ sắt đóng theo NĐ67 làm dịch vụ hậu cần trên biển, đang “chết khô” hơn 1 năm nay. Chủ của 3 tàu này phải chạy đôn chạy đáo để đi xin chính sách chuyển đổi nghề. Tuy nhiên, dù các chủ tàu có trình bày như thế nào thì phía ngân hàng và đơn vị chức năng vẫn quả quyết là không có chính sách hỗ trợ. Quá căng thẳng, anh Lê Văn Mi (xã Cát Khánh, chủ tàu hậu cần BĐ 99569) tạm thời rời bỏ tàu đi làm thuê cho các tàu khác để trả nợ, trang trải cuộc sống. Còn 2 anh Nguyễn Đức Hưng và Đỗ Công Quý (cũng ở xã Cát Khánh) thì vẫn mòn mỏi chờ đợi có chính sách hỗ trợ để chuyển nghề.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, cho rằng: “Chỉ khi nghề cá hiện đại, đẩy mạnh các tàu khai thác xa bờ, viễn dương thì các tàu hậu cần công suất lớn mới có “đất” để làm ăn; bây giờ thì chưa phù hợp. Các cấp, ngành cần tham mưu để Chính phủ có chính sách mới hỗ trợ các ngư dân được chuyển đổi nghề cho phù hợp. Đồng thời, cần tác động phía ngân hàng tiếp tục cho ngư dân vay vốn để chuyển đổi nghề, vươn khơi bám biển. Chỉ còn cách đó ngư dân mới đủ khả năng trả lãi, trả nợ cho ngân hàng và cải thiện thu nhập”.
Anh Hưng lý giải: “3 tàu hậu cần chúng tôi đóng theo NĐ67 và chỉ đăng ký “ăn theo” 10 tàu vỏ sắt hành nghề đánh bắt, cũng đóng theo NĐ67. Nhưng trong 3 năm liền, các tàu hành nghề đánh bắt hư hỏng nằm bờ do doanh nghiệp làm dối, tàu của tôi cũng “chết” theo. Ngoài ra, các tàu khai thác ra biển nửa tháng, đủ cá thì trở về bờ bán chứ không chịu bán lại cho tàu hậu cần của chúng tôi”.
Trong sự cố tàu vỏ sắt đóng theo NĐ67 xảy ra từ năm 2016 - 2017 ở Bình Định, anh Đỗ Công Quý (chủ tàu hậu cần BĐ 99888) là ngư dân thê thảm nhất. Từ một ông chủ thủy sản khét tiếng ở cảng Đề Gi, đùng một cái tán gia bại sản, gia đình ly tán. “Tàu của tôi nằm bờ gần 2 năm rồi. Bây giờ chúng tôi gần như khánh kiệt, chỉ trông mong ngân hàng tạo điều kiện cho vay thêm để sửa chữa lại tàu, vươn khơi. Nếu không, chúng tôi chỉ có nước phá sản, bỏ tàu. Khi đó, ngân hàng cũng chỉ còn nước ôm hết cái đống nợ của chúng tôi thôi”, anh Quý tâm sự.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, tỉnh này được Bộ NN-PTNT phân bố chỉ tiêu 305 tàu đóng mới theo NĐ67, có 25 tàu hậu cần, hiện mới chỉ đóng được 3 chiếc. Đối với 3 tàu hậu cần, bây giờ muốn chuyển đổi sang ngành nghề khác bắt buộc phải được ngân hàng đồng ý tạo điều kiện, còn đơn vị chức năng không thể can thiệp được.
Tuy nhiên, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho hay: “Bây giờ rất khó để tạo điều kiện hỗ trợ cho các tàu chuyển đổi nghề. Bởi trước đó, 3 ngư dân này tự nguyện xin đóng tàu vỏ sắt dịch vụ hậu cần. Hiện chỉ còn trông chờ vào nghị định bổ sung của Chính phủ mới mong có những chính sách để gỡ rối cho các ngư dân thôi”.
Theo NGỌC OAI - DƯƠNG QUANG (SGGP)