Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá: Tập trung nâng cấp trạm bờ
Việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên các tàu cá đã được Luật Thủy sản quy định rất rõ; thực tế cho thấy, hạng mục đầu tư này cũng đem lại nhiều lợi ích cho ngư dân. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định ấy đang gặp không ít khó khăn.
Theo quy định của Luật Thủy sản 2017 (có hiệu lực từ ngày 1.1.2019), tất cả tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên phải gắn thiết bị giám sát hành trình để quản lý trong quá trình khai thác thủy sản trên biển. Nghị định 26/2019/NĐ- CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 25.4.2019) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản cũng quy định cụ thể về lộ trình lắp đặt hệ thống giám sát tàu cá. Theo đó, đối với tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên phải được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước ngày 1.7.2019; tàu cá làm nghề lưới kéo, câu cá ngừ đại dương có chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m phải được lắp đặt trước ngày 1.1.2020; tàu cá có chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m phải được lắp đặt trước ngày 1.4.2020.
Ngư dân Hoài Nhơn kiểm tra thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá để chuẩn bị ra khơi.
Bình Định hiện có 546 tàu cá được lắp đặt máy định vị vệ tinh Movimar (69 tàu dài trên 24 m và 477 tàu dưới 24m), đạt 100% tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá từ 24 m trở lên. Toàn tỉnh có 2.850 tàu cá chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m; trong đó, có 2.200 tàu được hỗ trợ lắp đặt thiết bị VX-1700 (máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa tích hợp định vị vệ tinh GPS) để giám sát việc nhắn tin về trạm bờ.
Song, trở ngại lớn nhất là việc nâng cấp trạm bờ và nâng cấp thiết bị VX - 1700 để tự động báo về trạm bờ vẫn chưa thực hiện đạt yêu cầu. Riêng vấn đề nâng cấp trạm bờ, đến nay, dù tỉnh đã hỗ trợ tối đa nhưng sau 3 lần khảo nghiệm, Công ty CP thiết bị hàng hải Mecom (Bộ NN&PTNT) - đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện việc nâng cấp - vẫn không thể thực hiện thành công.
Ông Nguyễn Văn Minh, ở phường Đống Đa (TP Quy Nhơn), chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá BĐ 91388 TS, cho hay: “Thao tác sử dụng máy Movimar rất phức tạp. Đã vậy khi ra khơi gặp gió lớn, ồn ào sẽ không nghe được vì khả năng lọc nhiễu thấp, âm thanh của máy lại nhỏ. Hệ thống này cũng thường hay trục trặc. Nhiều tàu cá trước đây được hỗ trợ máy Movimar, dùng được một thời gian ngắn thì bị trục trặc, hư hỏng, nhiều ngư dân đã mang trả lại cho ngành chức năng”.
Ông Huỳnh Trai, ở xã Hoài Thanh (huyện Hoài Nhơn), chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá BĐ 96908 TS, cho hay: “Ngư dân vẫn chuộng sử dụng máy VX-1700 hơn do loại máy này có thể tự động nhắn tin về trạm bờ đúng theo quy định, lại có thể điện đàm trực tiếp về đất liền, rất thuận tiện. Tuy nhiên, đó là lúc bình thường chứ khi thời tiết xấu thì việc nhắn tin cũng thường gặp lỗi, có khi không nhắn được”.
Theo luật định, tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên phải được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đảm bảo tự động truyền qua hệ thống vệ tinh tối thiểu 12 vị trí/ngày với tần suất 2 giờ/lần; tàu cá có chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m phải đảm bảo thiết bị giám sát hành trình tự động truyền tin nhắn tối thiểu 8 vị trí/ngày với tần suất 3 giờ/lần qua các hệ thống thông tin vệ tinh, thông tin di động GSM, hệ thống thông tin sóng mặt đất sử dụng băng tần MF, HF, VHF.
Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Chúng tôi đã phối hợp với 2 đơn vị là Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn (Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam) và Công ty TNHH Zunibal Việt Nam (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) tiến hành khảo nghiệm việc đồng bộ tự động nhắn tin về trạm bờ 3 giờ/lần theo quy định. Nếu việc khảo nghiệm thành công, tỉnh sẽ tiến hành nâng cấp 2 trạm bờ tại Quy Nhơn, Hoài Nhơn và hỗ trợ lắp đặt máy VX-1700 đối với 650 tàu cá chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m còn lại. Nếu việc khảo nghiệm lại không thành công, tỉnh sẽ báo cáo Trung ương, điều chỉnh kế hoạch về việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Để việc lắp đặt được triển khai có hiệu quả, các địa phương cần phải vào cuộc đồng bộ và quyết liệt tuyên truyền ngư dân thực hiện Luật Thủy sản, góp phần thực hiện các giải pháp trong việc khắc phục khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Năm 2018, tỉnh Bình Ðịnh có 22 tàu cá khai thác thủy sản trái phép bị các nước khác bắt giữ; 56 lượt tàu cá bị Cục Kiểm ngư phát hiện qua hệ thống Movimar và cảnh báo có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài; 3 lượt tàu cá có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài bị Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân cảnh báo. Từ ngày 11.10.2018 đến nay, không còn tàu cá Bình Ðịnh vi phạm vùng biển nước ngoài và bị bắt giữ.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN