Nghệ nhân ưu tú Ðinh Y Băng: Một đời cống hiến cho văn hóa Bana K’riêm
Nhiều năm qua, không chỉ ở làng M3, xã Vĩnh Thịnh, mà tên tuổi của nghệ nhân Ðinh Y Băng đang lan đến nhiều làng Bana K’riêm khác ở Vĩnh Thạnh. Danh hiệu nghệ nhân ưu tú mà Nhà nước tôn vinh ông vì thế là niềm vui, niềm tự hào chung của đồng bào Bana K’riêm.
Ngay từ khi còn trẻ, nghệ nhân Đinh Y Băng đã giữ nhiều vai trò quan trọng trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ ở huyện. Ông chế tác nhạc cụ, sáng tác ca khúc, đạo diễn và trực tiếp biểu diễn, tích cực tham gia các hoạt động bảo tồn các giá trị Bana K’riêm. Đặc biệt, sau khi về hưu, ông lại có thêm thời gian cho niềm đam mê âm nhạc truyền thống và tiếp tục duy trì, xây dựng, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc Bana K’riêm.
Nghệ nhân Ưu tú Đinh Y Băng đang chơi đàn T’rưng do ông tự làm.
Không chỉ trình diễn được nhiều bài hát truyền thống, Đinh Y Băng còn sáng tác được nhiều bài hát ấn tượng, đậm chất Bana K’riêm như: Đi theo lời Đảng, Ngợi ca thiếu nữ Krông Bung, Hát ru em, Già làng gọi xuống nhà rông, Khóc trâu, Nhớ lại làng xưa, Về thăm làng mới, Mùa cốm, Cô gái giao liên trên đỉnh Trường Sơn… Các sáng tác của Đinh Y Băng được nhiều người yêu thích, ghi nhớ vì vừa mang làn điệu truyền thống vừa bày tỏ được tâm hồn, suy nghĩ của đồng bào trong cuộc sống hôm nay.
Ông Đinh Y Băng chia sẻ: “Năm 12 tuổi, tôi đã bắt đầu tập đánh một số nhạc cụ của đồng bào Bana K’riêm, đặc biệt là cồng chiêng, đàn t’rưng. Mình giữ thói quen trình tấu các nhạc cụ, hát các bài hát của ông bà, thành nếp như thế từ nhỏ cho đến bây giờ. Không những vậy mà còn phải biết cách chế tác nhạc cụ nữa! Tôi nghĩ phải truyền cho được niềm vui khi trình diễn những giá trị văn hóa của mình thì mới giữ được những giá trị quý báu mà ông bà để lại”.
Không chỉ nói, Đinh Y Băng còn thể hiện bằng hành động cụ thể khi tham gia truyền dạy cho 150 người trong làng về nhạc cụ dân tộc, điệu múa truyền thống của người Bana K’riêm; Chung tay thành lập CLB cồng chiêng làng M3, tạo thuận lợi cho hoạt động duy trì nhạc cụ truyền thống của làng, của người Bana K’riêm. Những nỗ lực, tâm huyết không ngừng nghỉ của ông đã góp phần khuyến khích được nhiều thế hệ trẻ, đặc biệt là các con ông càng yêu thích và thấu hiểu hơn giá trị của các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc.
Ở tuổi 75, ông Đinh Y Băng có gần 60 năm tham gia giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa Bana K’riêm. Ông đã được tặng nhiều danh hiệu cao quý do có thành tích xuất sắc trong công tác này. Chị Đinh Thị Kim Oanh, con gái nghệ nhân Đinh Y Băng tự hào: “Từ nhỏ tôi đã được cha thủ thỉ thù thì về cái hay cái đẹp của nhạc cụ truyền thống. Khi thấy tôi tò mò và thích, ba tôi bắt đầu dạy cho tôi. Năm nay tôi đã gần 50 tuổi rồi, trình tấu được nhiều nhạc cụ dân tộc truyền thống Bana K’riêm, biết múa xoang, hiểu được nhiều giá trị tốt đẹp trong các lễ hội truyền thống và đời sống của dân tộc mình, tôi rất hạnh phúc!”.
Nghệ nhân ưu tú Đinh Y Băng tâm sự: “Mai mốt tôi già quá không thể chơi nổi nhạc cụ nữa, tôi mong thanh niên Bana K’riêm sẽ tiếp tục giữ gìn và làm giàu thêm cái hay cái đẹp của đồng bào mình. Tâm huyết của cả đời là thế. Tôi nghĩ ngay từ bây giờ, các bậc cha mẹ nên vận động con em tích cực tham gia học tập, thuyết phục làm sao để ngày càng có thêm nhiều người biết trình diễn, trình tấu, làm thành thạo các nhạc cụ truyền thống của dân tộc Bana K’riêm thì chúng tôi mới yên lòng”.
Giờ đây tuy tuổi đã cao, nhưng ngọn lửa tình yêu vô bờ với các giá trị văn hóa truyền thống vẫn cuộn dâng không ngơi nghỉ trong nghệ nhân này. Cứ mỗi lần nghe đâu đó cần được hỗ trợ, ông lại hăm hở đến để giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc, truyền dạy cách chế tác và thực hành biểu diễn nhạc cụ dân tộc của đồng bào Bana K’riêm. Ông tận dụng gần như mọi cơ hội có thể để động viên thế hệ trẻ hôm nay tiếp nối, gìn giữ các giá trị văn hóa của dân tộc.
Ông Đinh Y Oai, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Vĩnh Thạnh, tâm sự: “Đồng bào Bana K’riêm Vĩnh Thạnh may mắn có những người con ưu tú, nặng lòng với văn hóa dân tộc mình như bok Đinh Y Băng. Ông Đinh Y Băng là một tài năng về chế tác và biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc, là niềm tự hào chung của đồng bào!”.
LÊ DUYÊN