Tỉnh táo với mạng xã hội
Hôm qua, mạng xã hội lần nữa xuất hiện cuộc tranh luận sôi nổi sau khi đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn khối 11 của một trường THPT ở Hải Phòng đưa hiện tượng Khá “bảnh” vào đề thi nghị luận xã hội.
Theo đó, sau khi trích nguyên văn một bài báo viết về hiện tượng mạng Khá “bảnh” với đời tư bất hảo nhưng vẫn được học sinh và phụ huynh chào đón như thần tượng ở Yên Bái, đề thi yêu cầu học sinh viết bài văn khoảng 400 chữ trình bày suy nghĩ cá nhân về hiện tượng này. Ảnh chụp đề thi ngay khi xuất hiện trên mạng xã hội đã tạo nên làn sóng tranh cãi với 2 luồng ý kiến trái chiều.
Ngô Bá Khá (Khá "Bảnh") vừa bị Cơ quan CSĐT Công an thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh khởi tố bị can và bắt tạm giam về tội “Đánh bạc và tổ chức đánh bạc”.
Một bên cho rằng người ra đề đã “bắt trend” (nắm bắt xu hướng của giới trẻ) khá tốt, qua đó giúp giáo viên hiểu được tâm tư, nguyện vọng của học sinh để kịp thời điều chỉnh. Tuy nhiên, phía còn lại kịch liệt phản đối, cho rằng đề thi như thế là con dao 2 lưỡi vì không phải học sinh nào cũng có hiểu biết về các hiện tượng mạng xã hội, chưa kể ở lứa tuổi các em có thể nhận thức chưa đầy đủ về những tác hại cũng như mặt trái của mạng xã hội.
Sự việc trở nên căng thẳng khiến Bộ GD-ĐT phải vào cuộc, chỉ đạo Sở GD-ĐT TP Hải Phòng báo cáo tình hình cụ thể và xem xét hướng giải quyết phù hợp.
Trao đổi với báo chí, đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng, đề thi mở gắn với những vấn đề thời sự thường tạo được nhiều hứng thú cho học sinh, giúp các em vận dụng những kiến thức, kỹ năng từ bài học trong chương trình vào thực tiễn cuộc sống.
Ngoài ra, xu thế đổi mới dạy học ở bậc phổ thông hiện nay chú trọng đến việc ra đề thi và xây dựng hướng dẫn chấm theo hướng mở, gắn với thực tiễn cuộc sống, nhằm phát huy tối đa khả năng sáng tạo, đáp ứng mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất của người học.
Tuy nhiên, ngoài tính thời sự, đề thi cần có tính giáo dục, tính thẩm mỹ và nhân văn, đặc biệt phải phù hợp với năng lực nhận thức và đặc điểm tâm sinh lý của học sinh ở từng cấp học. Do đó, việc lựa chọn ngữ liệu để ra đề thi phải hết sức thận trọng, tránh xu thế chạy theo thị hiếu nhất thời.
Trước đó, tại kỳ thi Olympic tháng 4.2019 dành cho học sinh THPT khu vực phía Nam diễn ra tại TPHCM vào ngày 6.4, đề thi môn Ngữ văn khối 10 cũng chọn đề tài về mạng xã hội.
Cụ thể, từ tâm lý ghen tị thường gặp ở các bạn trẻ khi nhìn thấy những hình ảnh vui vẻ của bạn bè đăng tải trên mạng xã hội, đề thi yêu cầu học sinh viết về “Một trong những sai lầm thường gặp nhất của tuổi trẻ là so sánh hình ảnh bên ngoài của bạn bè với hình ảnh bên trong của chính mình. Bạn đâu biết nội tâm của người kia thế nào? Chưa biết chừng người ấy cũng đang nhìn vẻ bề ngoài của bạn mà ghen tị nhiều lắm đấy”.
Từ đó, đề thi hướng các thí sinh đến sự trân trọng những giá trị cá nhân của mình cũng như tôn trọng giá trị cá nhân của người khác, biết cách chọn lối sống tích cực, chủ động để tạo ra niềm vui đích thực cho bản thân.
2 đề thi cùng lấy đề tài về mạng xã hội nhưng đề cập 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau. Không thể phủ nhận việc ra đề thi theo hướng mở đã tạo nhiều ảnh hưởng tích cực đến người học, qua đó giúp các em định hình lại tư tưởng, lối sống phù hợp thực tế xã hội nhưng không trái thuần phong mỹ tục, các giá trị về văn hóa truyền thống của dân tộc.
Tuy nhiên, trong môi trường sống mà cái ác, cái xấu có nhiều điều kiện lan nhanh và lan xa như hiện nay, người làm giáo dục cần hết sức tỉnh táo. Trong đó, một trong những biện pháp để ngăn chặn và đẩy lùi cái ác là tôn vinh những hình ảnh người tốt, việc tốt, nhân rộng các mô hình, lối sống tích cực để có sức ảnh hưởng đến xã hội.
Song song đó, cần tăng cường giáo dục học sinh các chuẩn mực văn hóa, đạo đức trong xã hội, tránh bị lôi kéo, dụ dỗ vào những trào lưu thiếu lành mạnh, gây ảnh hưởng nhân cách và lối sống của các em.
Theo SGGP