Bình Ðịnh thuộc nhóm đạt điểm PAPI thấp nhất: Khắc phục ngay những hạn chế, yếu kém
Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam 2018 của tỉnh Bình Ðịnh chỉ đạt 47,05 điểm - xếp ở nhóm thấp nhất là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm đặc biệt tại Hội nghị lần thứ 18 Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh (khóa XIX) diễn ra ngày 10.4.
Quang cảnh Hội nghị.
Rất bất ngờ!
Đa số các chỉ số nội dung của Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2018 của Bình Định đều ở mức rất thấp. Cụ thể, với thang điểm 10, chỉ có 3/8 chỉ số đạt trên mức trung bình là kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (6,23 điểm), thủ tục hành chính công (6,9 điểm), cung ứng dịch vụ công (6,94 điểm). Các chỉ số còn lại là tham gia của người dân ở cấp cơ sở đạt 4,87 điểm; công khai, minh bạch đạt 4,83 điểm; trách nhiệm giải trình với người dân đạt 4,52 điểm; quản trị môi trường đạt 4,02 điểm và thấp nhất là quản trị điện tử - 2,73 điểm.
“Tập trung chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1.1.2019 của Chính phủ, các nghị quyết, chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển KT-XH năm 2019, tạo sự chuyển biến rõ rệt về phát triển KT-XH, nhất là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch; nâng cao chất lượng quản lý, thực hiện có hiệu quả các quy hoạch về phát triển công nghiệp - thương mại, du lịch trên địa bàn”.
Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN THANH TÙNG
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Lâm Hải Giang, PAPI do Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện, địa bàn khảo sát do Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp giới thiệu. Tại Bình Định, PAPI 2018 được khảo sát tại TP Quy Nhơn, huyện Tuy Phước, huyện Vĩnh Thạnh; mỗi huyện, thành phố chọn 2 xã, phường; mỗi xã, phường chọn 2 thôn, khu phố.
“Chỉ có 240 phiếu khảo sát tại các địa bàn hẹp với những người dân được chọn ngẫu nhiên. Chúng tôi thật sự rất bất ngờ với kết quả được công bố. Tới đây, chúng tôi sẽ tham mưu UBND tỉnh mời đơn vị đánh giá về làm việc để tìm hiểu cụ thể nguyên nhân”, ông Giang bày tỏ.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cho biết, năm 2014, lần đầu tiên PAPI được công bố, Bình Định xếp thứ 3, được báo cáo điển hình. Theo thời gian, thứ hạng có tụt dần, nhưng năm 2017 vẫn xếp thứ 8; sang năm 2018 đứng thứ 61 (2 tỉnh không xếp hạng) là “một sự cảnh báo”. Song, cũng cần phải nhắc đến hiện tượng 2 tỉnh không tham gia đánh giá năm nay là Quảng Ninh và Đồng Tháp. Đáng chú ý, đây lại là 2 tỉnh dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018.
“Đề nghị UBND tỉnh tổ chức hội nghị, triệu tập từ lãnh đạo cấp xã đến tỉnh, các sở, ngành để phân tích nguyên nhân, bàn bạc giải pháp khắc phục ngay”, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh.
Giám đốc Sở Nội vụ Lâm Hải Giang phát biểu ý kiến về chỉ số PAPI.
Cộng dồn diện tích rừng bị phá để xử lý cán bộ
Người dân lấn chiếm đất nông nghiệp để trồng rừng tại huyện Hoài Ân là vấn đề quan trọng cần được giải quyết triệt để. Bí thư Huyện ủy Hoài Ân Hoàng Anh Dũng thừa nhận, để xảy ra tình trạng này có phần yếu kém trong công tác quản lý của địa phương. Theo ông Dũng, trong 320 ha đất nông nghiệp phát hiện có trồng keo, huyện đã giải quyết được 270 ha; gần 100 ha trong số này đã chuyển sang trồng bắp rất hiệu quả.
Đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quý II/2019 được Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh là tập trung chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình trọng điểm của tỉnh. Ðó là đường trục Khu Kinh tế Nhơn Hội nối dài đến Sân bay Phù Cát, tuyến đường phía Tây tỉnh ÐT 638 (Canh Vinh - Quy Nhơn), QL 19 nối dài (từ Cảng Quy Nhơn đến giao QL 1A); triển khai dự án đường ven biển (ÐT 639), thông tuyến đường Lê Hồng Phong (TP Quy Nhơn), ổn định tái định cư và xây dựng hồ Ðồng Mít…
“Có 100 hộ dân đăng ký trồng cây ăn trái trên đất trồng keo trước đây. Huyện sẽ hỗ trợ giống và nước tưới cho số hộ dân này”, ông Dũng nói. Giám đốc Sở NN&PTNT Phan Trọng Hổ cũng cho biết Sở sẽ làm việc cụ thể với huyện Hoài Ân để bàn bạc, định hướng loại cây trồng phù hợp trên các diện tích đất đã xóa bỏ cây keo.
Liên quan đến công tác quản lý rừng, các ý kiến tại hội nghị đều cho rằng tình hình phá rừng đã giảm nhiệt. Tuy nhiên, đáng lo ngại là sự chuyển hướng trong hoạt động này: chia nhỏ diện tích rừng bị phá cho từng đối tượng để tránh bị xử lý hình sự. Cùng với đó là sự móc ngoặc giữa người Kinh ở địa phương khác với người dân tộc thiểu số bản địa.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng đặt ra yêu cầu phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Đồng thời, khẳng định sẽ thực hiện quy định mới: cộng dồn diện tích rừng bị phá, nếu đủ điều kiện khởi tố thì sẽ xử lý kỷ luật những người có trách nhiệm liên quan.
23/478 hộ chưa nhận đền bù dự án hồ Đồng Mít
Liên quan đến việc thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án xây dựng hồ chứa nước Ðồng Mít ở xã An Dũng, Bí thư Huyện ủy An Lão Ðinh Minh Tấn cho biết còn 23/478 hộ chưa nhận đền bù. Việc vận động, thuyết phục đang gặp nhiều khó khăn.
Nêu rõ đây là công trình trọng điểm quốc gia, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng khẳng định mức đền bù rất cao, thậm chí tỉnh còn đứng ra xây nhà mới cho dân nếu người dân cho rằng khoản đền bù không đủ xây nhà.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn giao nhiệm vụ cụ thể: “Bí thư Huyện ủy phải trực tiếp thuyết phục, vận động; chỉ cần trưởng thôn nhận đền bù thì những người khác sẽ làm theo”.
NGUYỄN VĂN TRANG