Dùng dấm gỗ thay thuốc bảo vệ thực vật
Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trên thực tế đã và đang gây ra nhiều hệ lụy tới sức khỏe con người do lượng thuốc tồn dư trong sản phẩm và làm thoái hóa nghiêm trọng môi trường đất. Nhằm hạn chế một số bệnh hại, giảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác dưa hấu và ớt, một nhóm sinh viên khoa Hóa (Trường ĐH Quy Nhơn), đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng dấm gỗ (axit pyroligneous) trong nông nghiệp”. Theo đó, khi pha dấm gỗ với tỉ lệ thích hợp, phun lên cây dưa hấu và ớt sẽ ngăn ngừa một số bệnh hại, góp phần cải tạo đất.
Trưởng nhóm nghiên cứu Hồ Thị Mi Ni phun dấm gỗ chăm sóc ớt tại vườn nhà.
5 sinh viên thực hiện đề tài gồm: Hồ Thị Mi Ni, Kiều Nhật Linh, Phan Thị Ngọc Hân, Trần Quốc Thành và Lê Thị Thảo Nguyên, hiện là sinh viên năm thứ 4 ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học, chuyên ngành Công nghệ Môi trường thuộc khoa Hóa Trường ĐH Quy Nhơn.
Tại khu vườn rộng khoảng 100 m2 ở xã Nhơn An (TX An Nhơn) của gia đình, sinh viên Hồ Thị Mi Ni, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, từ đầu năm 2018, đây là nơi trồng khảo nghiệm dưa hấu và ớt phục vụ nghiên cứu của nhóm, đầu năm 2019, cả dưa hấu và ớt đều cho thu hoạch khá. Ngoài ra, khi sử dụng dấm gỗ thay thuốc bảo vệ thực vật, dưa hấu có vị ngọt đậm đà, ớt thì đảm bảo vị cay, hăng cần thiết.
Rất nhiều công trình nghiên cứu cho thấy dấm gỗ có tác dụng tích cực trong sản xuất nông nghiệp như: cải tạo đất, bảo vệ thực vật, tiêu diệt, xua đuổi một số sâu bọ và côn trùng, ruồi muỗi, kiến gián, làm lành vết thương thực vật, kích thích sinh trưởng, bảo quản lương thực thực phẩm, khử mùi hôi, xử lý môi trường rác thải. Vừa pha chế dấm, các sinh viên vừa giải thích: Loại dấm mà nhóm sử dụng để nghiên cứu là sản phẩm của Công ty CP Phân bón và Dịch vụ tổng hợp Bình Định (BIFFA). Với tỉ lệ pha dấm gỗ với nước khoảng 1:100 và tần suất 7 ngày/lần thì cây dưa hấu sẽ giảm thời gian sinh trưởng, tăng khối lượng trung bình của quả, đồng thời hạn chế được bệnh chết cây con và thán thư; với ớt khi pha tỉ lệ 1:200 và tần suất phun 7 ngày/lần góp phần rút ngắn thời gian sinh trưởng, hạn chế một số bệnh như bệnh héo xanh, thán thư và sâu đục quả.
Dấm gỗ đã là sản phẩm hàng hóa, đã có bán khá phổ biến trên thị trường, dù vậy Th.S Trần Thị Thu Hiền, giảng viên khoa Hóa Trường ĐH Quy Nhơn, người hướng dẫn đề tài, vẫn đánh giá: Đề tài thể hiện ý thức bảo vệ môi trường của một nhóm bạn trẻ, qua đó kêu gọi mọi người cùng ủng hộ một nền nông nghiệp hữu cơ, tạo ra những thực phẩm sạch, an toàn, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
NGỌC NGA