Công tác thu gom, xử lý chất thải rắn: Cần nhiều giải pháp căn cơ
Thời gian qua, mặc dù đã có một số nỗ lực song công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn. Làm gì để hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn thực sự hiệu quả, bền vững là vấn đề mà UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đang quan tâm tìm giải pháp tháo gỡ.
Công ty TNHH Thương mại & Môi trường Hậu Sanh là một trong những DN đi đầu trong việc xử lý chất thải rắn nguy hại trên địa bàn tỉnh.
- Trong ảnh: Một góc cơ sở xử lý chất thải rắn nguy hại của Nhà máy tái chế, xử lý chất thải rắn nguy hại Hậu Sanh.
Lượng chất thải rắn chưa được xử lý khá nhiều
Theo ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Tây Bình, huyện Tây Sơn, trên địa bàn xã hiện có 1.600 hộ gia đình thuộc diện phải đóng phí đổ chất thải rắn sinh hoạt nhưng chỉ có khoảng 300 hộ đồng ý đóng phí. Riêng về việc xây dựng bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật, theo quy định, xã phải xây dựng 90 bể, nhưng vì kinh phí eo hẹp nên đến nay xã chưa xây dựng được bể nào. Tây Bình chỉ là một ví dụ về vấn đề xử lý chất thải ở tỉnh ta.
Hiện nay khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh ta khoảng 1.000 tấn/ngày, trong đó phần ở vùng nông thôn khoảng 400 tấn, còn lại ở khu vực đô thị. Thế nhưng, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, vận chuyển và xử lý mỗi ngày chỉ vào khoảng 500 tấn. Trong đó, tỉ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn, các xã vùng sâu, vùng xa chỉ đạt khoảng 40%. Th.S Hà Thị Thanh Hương, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) cho biết: Phần lớn ở cấp xã chưa tổ chức được mạng lưới thu gom chất thải rắn sinh hoạt, nhiều nơi vứt rác bừa bãi ra nơi công cộng; việc phân loại chất thải rắn tại nguồn chỉ đạt khoảng 15% và chủ yếu được thực hiện tại TP Quy Nhơn.
Chia sẻ về vấn đề xử lý chất thải, ông Nguyễn Văn Hậu, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại & Môi trường Hậu Sanh, cho biết: Hiện nhà máy tái chế, xử lý chất thải rắn nguy hại ở xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát của chúng tôi đang tiếp nhận, xử lý chất thải rắn cho nhiều nguồn thải đến từ các tỉnh duyên hải miền Trung -
Tây Nguyên. Riêng năm 2018, Công ty đã tiếp nhận gần 1.480 tấn chất thải rắn nguy hại từ 509 đơn vị chủ nguồn thải của các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum và đã xử lý được trên 1.431 tấn. Tuy nhiều như thế nhưng đây vẫn chỉ đạt khoảng 30% công suất của nhà máy. Trong khi đó trên thực tế lượng chất thải rắn nguy hại lớn hơn rất nhiều và một phần không nhỏ chưa được xử lý đúng quy định. Lượng chất thải rắn chưa được xử lý đi đâu nếu không nói là đang bị phát tán bừa bãi trong môi trường?
Nên giảm thải từ đầu nguồn
Những tồn tại, khó khăn trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh thời gian qua quả là đáng lo ngại. Theo Th.S Hà Thị Thanh Hương, có nhiều nguyên nhân. Theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh phải xây dựng 15 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh, nhưng hiện mới có 10 bãi chôn lấp, trong đó chỉ có 5 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh. Vì vậy, nhiều địa phương buộc phải bố trí tạm thời hố chôn lấp không hợp vệ sinh để xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đáng chú ý là việc lựa chọn địa điểm để xây dựng bãi chôn lấp chất thải rắn gặp rất nhiều khó khăn do bị người dân sở tại phản đối, đây là một lý do khiến việc xây dựng đủ các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt kéo dài thời gian.
Mặt khác, được biết, việc đầu tư xây dựng các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh đòi hỏi kinh phí rất lớn, hầu hết các địa phương đều không đáp ứng được. Về chủ quan, nhiều sở, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt; chưa thực hiện đồng bộ việc quy hoạch và tổ chức mạng lưới thu gom chất thải rắn đến cấp xã, phường; thiếu cơ chế chính sách cụ thể nhằm đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động quản lý rác thải. Và đặc biệt vấn đề làm sao để giảm bớt xả thải, khối lượng chất thải, đặc biệt là những chất thải khó xử lý rất ít được quan tâm. Vì thế lượng chất thải mỗi năm lại mỗi tăng và tăng rất nhanh.
Vấn đề đặt ra lúc này là làm gì để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên và có giải pháp để hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn thực sự hiệu quả? Theo ông Nguyễn Văn Hậu, Công ty Hậu Sanh vừa xây dựng dự án “Xử lý chất thải rắn sinh hoạt”. Theo đó, ở giai đoạn ban đầu nhà máy xử lý có công suất xử lý mỗi ngày khoảng 100 tấn chất thải rắn sinh hoạt, Công ty sẽ thực hiện tái chế, sản xuất phân vi sinh, tái chế hạt nhựa và sản xuất gạch block.
Còn theo Th.S Hà Thị Thanh Hương, Chi cục Bảo vệ môi trường đã đề xuất Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thực hiện các giải pháp quy hoạch, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn; tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân có cách nhìn tích cực và chủ động hơn trong giảm lượng chất thải, ủng hộ việc xử lý chất thải rắn tập trung.
Đáng lưu ý, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu, về lâu dài, UBND tỉnh sẽ tăng cường việc xã hội hóa, kêu gọi tư nhân đầu tư xây dựng cơ sở thu gom, xử lý chất thải rắn, nhất là tại các khu vực đô thị. Ngân sách nhà nước sẽ tập trung hỗ trợ xử lý cho các khu vực nông thôn.
VIẾT HIỀN