Mỗi học sinh nên có một quyển từ điển tiếng Việt
Vừa rồi, nhân mấy tháng đầu năm không đi làm xa, tôi có dịp gần gũi, trò chuyện nhiều hơn với con, tìm hiểu chuyện học. Và điểm bất ngờ là con tôi viết sai chính tả khá nhiều. Chẳng phải ở từ khó như: “huỳnh huỵch, chệch choạc”... mà ngay cả những từ đơn giản như “sức lực, sứt môi” thằng bé cũng bối rối. Lên lớp 10 rồi mà chính tả vẫn cứ rất lơ ngơ.
Ngay hôm sau, hai cha con tôi đến nhà sách, chọn mua một quyển từ điển tiếng Việt. Theo tôi, bất cứ học sinh nào cũng nên có một quyển từ điển tiếng Việt trong góc học tập để khi cần là tra được ngay. Thực tế chẳng ai hoàn hảo để có nhớ hết chính tả tiếng Việt, hơn nữa có từ điển mình cũng bớt chủ quan, cẩu thả. Mình có thể tra từ bằng điện thoại thông minh, máy tính bảng nhưng thao tác trên trang in hiện vẫn còn có lợi cho tư duy hơn. Nó giống như trẻ nhỏ phải học cộng trừ nhân chia dù máy tính cầm tay rất rẻ và rất sẵn, bởi đích đến của việc học là phương pháp chứ không phải chỉ là kết quả phép tính.
Nói thì nói vậy nhưng thằng bé có vẻ khó chịu, miễn cưỡng làm theo vì nó vốn lười, cẩu thả đã quen. Nhưng sau vài tuần làm quen, không phải chỉ khi cần tra từ nó mới mở sách mà thỉnh thoảng lại đem cuốn sách ra đọc như đọc tiểu thuyết vậy. Đến lúc này tôi thực hiện giai đoạn hai, tôi khuyên: Con ạ, bấy nhiêu vẫn chưa đủ đâu. Con không thể cứ tra từ hoài, cho nên hãy năng đọc sách báo. Đọc sách báo giúp mình có thêm tri thức, mở rộng hiểu biết và làm giàu vốn từ chứ không chỉ viết đúng không thôi. Lần này thì cậu chàng tin ba ngay.
Nhiều lần tôi tự vấn, chúng ta là người Việt, lại học tiếng Việt ngay từ lúc tập nói, cớ sao khi thấy trẻ viết sai chính tả lại không mấy ai giật mình, lo lắng? Có lẽ mỗi một gia đình nên có một cuốn từ điển tiếng Việt để con trẻ sớm biết cách viết đúng từ, không đi sai lối trong cách dùng từ.
ĐẶNG TRUNG THÀNH