Ðộc đáo những cách đặt tên
Mè xửng là một đặc sản nổi tiếng của xứ Huế được nhiều người biết đến vì hương vị thơm ngon và tên gọi độc đáo. Theo tìm hiểu, loại kẹo này có tên gọi như vậy là bởi nó được làm từ mè (vừng) bằng cách xửng (cách hoán đường thành chất dẻo cô đặc).
Văn hóa ẩm thực của người Việt ta hết sức đa dạng và độc đáo. Điều này thể hiện ngay ở cách đặt tên món ăn. Phương thức định danh tên món ăn (uống) [trở xuống xin gọi chung là “món ăn”] = tên nguyên liệu chính + cách chế biến là một trong những cách đặt tên phổ biến. Ngoài mè xửng ở trên, ta còn gặp nhiều món ở khắp ba miền có cách đặt tên tương tự: chuối chiên, chuối chần, mít ngào, mực rim, xoài lắc, sò hấp,…
Bên cạnh đó, còn có nhiều phương thức định danh khác. Chẳng hạn, gọi tên bằng tên loại + nguyên liệu chính (kẹo đậu phộng, chè đậu xanh, mắm tôm); tên loại + cách chế biến (bánh tráng, kem cuộn, kẹo kéo); tên loại + hình dạng món ăn (bánh ú, đường phổi, kẹo gương); tên loại + hương vị chính của món ăn (canh chua, rượu chát),…
Ở Bình Định ta, quy tắc đặt tên các món ăn khá phong phú, chẳng hạn mắm nhum (gọi tên theo nguyên liệu chính), bún dây (theo hình dạng), nem nướng (theo cách chế biến), mực ngào (theo nguyên liệu chính và cách chế biến),…
Ngoài ra, còn có nhiều cách đặt tên món ăn “độc lạ”. Chẳng hạn: tên món ăn = tên loại + tên món ăn làm nguyên liệu chính (bánh canh chả cá, bún thịt nướng), tên món ăn = tên món ăn 1 + tên món ăn 2 (bánh hỏi cháo lòng), tên món ăn = tên món ăn chung + nguyên liệu chính (bánh tráng nước dừa, bánh ít lá gai), tên món ăn = tên loại + địa danh chung (nem chợ huyện, rượu bầu đá), tên món ăn = tên món ăn chung + địa danh riêng (bánh cuốn Tây Sơn, bánh xèo Mỹ Cang, bún tôm Phù Mỹ), tên món ăn dùng phương ngữ Bình Định (gié bò, tré)…
ThS. PHẠM TUẤN VŨ