Dịch châu chấu tấn công Madagascar
Nạn dịch châu chấu nghiêm trọng đã xảy ra trên khoảng một nửa diện tích đất nước Madagascar, đe dọa mùa màng và làm tăng lo ngại về tình trạng thiếu hụt lương thực – Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết.
Đây là đợt dịch châu chấu tồi tệ nhất tại Madagascar kể từ thập niên 50
FAO dự báo hàng tỉ con côn trùng phá hoại cây cối này có thể gây ra nạn đói đối với 60% dân số Madagascar.
Đảo quốc châu Phi này cần viện trợ khẩn cấp khoảng 22 triệu USD để đối phó với nạn dịch châu chấu.
Đây là đợt dịch châu chấu tồi tệ nhất tại quốc gia có đông người nghèo này kể từ những năm 50 của thế kỷ trước.
Chuyên gia kiểm soát châu chấu của FAO Annie Monard cho biết nạn dịch lần này đã gây ra mối đe dọa lớn tới đảo quốc nằm ở phía Tây Ấn Độ Dương.
“FAO ước tính, đến tháng 9.2013, nếu không có biện pháp nào được thực hiện thì 2/3 diện tích Madagascar sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch châu chấu” – bà Monard nói.
“Đợt dịch gần đây nhất là vào thập niên 50 của thế kỷ trước và khoảng cách giữa 2 đợt dịch là 17 năm. Nếu không hành động, khoảng cách này có thể chỉ kéo dài từ 5-10 năm, tùy theo điều kiện” – bà Monard tiếp.
Gần 60% trong tổng số hơn 22 triệu người dân của Madagascar có thể sẽ bị đói nghiêm trọng.
85% dân số nước này sống ở mức chưa đầy 1 USD/ngày.
Từ tháng 10.2012 đến nay, Trung tâm Kiểm soát châu chấu Madagascar đã xử lý 30.000ha diện tích đất canh tác. Tuy nhiên, tháng 2.2013, một trận bão lớn xảy ra khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Bão không những tàn phá mùa màng mà còn tạo điều kiện tối ưu cho một thế hệ châu chấu non sinh sôi.
Tố Uyên (Theo BBC)