Giá trị bền vững của ‘Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương’
“Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu; thể hiện rõ lòng tôn kính tổ tiên… Đặc biệt, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn thể hiện sự liên kết chặt chẽ giữa giá trị tâm linh của cả một dân tộc với những giá trị khoa học, điều đó đã minh chứng cho sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt Nam trong dòng chảy đương đại.
Khách thập phương trảy hội Đền Hùng. Ảnh: Báo Phú Thọ
Đó là đánh giá của chuyên gia Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) về giá trị của Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam” mà Tổ chức này vinh danh vào ngày 6.12.2012.
Mặc dù đến đầu thập kỷ thứ nhất của thế kỷ XXI, tín ngưỡng giàu chất nhân văn này mới được thế giới biết đến rộng rãi qua sự vinh danh của UNESCO nhưng với người Việt Nam thì đã từ ngàn xưa, ai cũng nhớ ngày 10 tháng Ba (âm lịch) là ngày Giỗ Tổ: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”.
Ngày Giỗ Tổ là ngày cả dân tộc ta tri ân công đức của các Vua Hùng, những người lập nên nhà nước Văn Lang, nền móng của dân tộc và dạy dân cày ruộng, cấy lúa, ban linh khí cho đất đai, nhà cửa, cây trồng, vật nuôi sinh sôi nảy nở, mùa màng tươi tốt, bội thu.
Với niềm tin thành kính ấy, từ hàng nghìn năm qua, hết thế hệ này qua thế hệ khác, người Việt ở vùng Đất Tổ - nơi Đền Hùng tọa lạc và nhân dân trên khắp mọi miền của đất nước cùng đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài, đã thực hành, vun đắp và lưu truyền Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương để thể hiện sự biết ơn với vị thủy tổ, mong ngài phù hộ cho quốc thái dân an, nhân khang, vật thịnh, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Vì vậy, thờ cúng Hùng Vương là một tín ngưỡng bản địa, là hiện tượng văn hóa có sức sống mãnh liệt, sức lan toả rộng, sâu, lâu bền trong cộng đồng người Việt.
Nét tiêu biểu và đậm đà bản sắc nhất của tín ngưỡng này là vào đúng ngày 10 tháng Ba (âm lịch) hằng năm, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được cử hành tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh (xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) và ở các địa phương khác trong cả nước.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – nghi lễ thờ cúng ông Tổ chung của cả nước là bản sắc văn hóa tiêu biểu, đặc sắc riêng có của dân tộc Việt Nam và cũng là di sản văn hóa tiêu biểu của nhân loại. Trong tiến trình lịch sử, tín ngưỡng này góp phần hun đúc lòng tự hào về nguồn cội và tạo nên tinh thần đoàn kết, yêu nước thương nòi.
Hiện cả nước có khoảng 1.417 di tích có thờ cúng Hùng Vương và các nhân vật thời Vua Hùng, riêng tỉnh Phú Thọ có gần 330 cơ sở. Bên cạnh đó, cộng đồng người Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới cũng thờ cúng Hùng Vương.
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng tổ chức hằng năm là nhằm tiếp tục nêu cao truyền thống yêu nước, bày tỏ biết ơn sâu sắc các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là dịp tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về hai di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ” đã được UNESCO vinh danh.
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, đến ngày nay tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có nguồn cội từ tín ngưỡng dân gian đã trở thành Quốc lễ của Việt Nam.
Niên biểu:
- Năm 258 trước công nguyên, An Dương Vương - Thục Phán dựng cột đá trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thề “Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn, lưu ở miếu Tổ Hùng Vương; nguyện đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và giữ gìn giang sơn gấm vóc mà Hùng Vương trao lại...”.
- Năm 40, khi dựng cờ khởi nghĩa, Hai Bà Trưng dõng dạc bố cáo: “Một xin rửa sạch thù nhà/ Hai xin nối lại nghiệp xưa họ Hùng”.
- Năm 980, niên hiệu Thiên Phúc Nguyên Niên, triều đình nhà Tiền Lê đã cho soạn Ngọc phả Hùng Vương.
- Thời Hồng Đức (Hậu Lê), năm 1470, Vua Lê Thánh Tông sai Hàn lâm viện - Trực Học sĩ Nguyễn Cố soạn: “Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời Thánh Vương triều Hùng” (Hùng đồ thập bát diệp Thánh vương Ngọc phả cổ truyền). Từ đây Vua Hùng đã trở thành bậc đế vương muôn đời của nước Việt, có tông phả giữa thế gian, trời, đất.
- Năm 1479, trong “Đại Việt sử ký toàn thư” nhà sử học Ngô Sỹ Liên đã đưa họ Hồng Bàng vào Quốc sử Việt Nam.
- Năm 1785, Chúa Trịnh Khải nhân danh Nguyên soái Tổng quốc chính Đoan Nam Vương đã ban hành Lệnh chỉ sửa chữa các đền trên núi Nghĩa Lĩnh để phụng thờ 18 đời Thánh Vương họ Hùng nước Việt cổ.
- Năm 1789, Quang Trung - Nguyễn Huệ ban sắc chỉ, ân tứ cho dân Trung Nghĩa (nay là xã Hy Cương) làm Trưởng tạo lệ, hương khói thờ cúng các Vua Hùng…
- Năm 1917, triều đình nhà Nguyễn giao cho Bộ Lễ chính thức chọn, định lệ ngày Quốc lễ - Giỗ Tổ Hùng Vương: Ngày mồng 10 tháng Ba âm lịch hằng năm.
- Năm 1941, lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng được những người cộng sản Việt Nam treo cao tại Đền Hùng trong ngày Giỗ Tổ.
- Năm 1946, trong ngày Giỗ Tổ, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Quyền Chủ tịch nước đã làm lễ dâng hương cùng một tấm bản đồ và một thanh gươm quý để khẳng định ý chí bảo vệ đất nước của dân tộc Việt Nam.
- Ngày 18.2.1946, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 22/ LCT đưa ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng Ba (âm lịch) hằng năm là ngày lễ chính thức của dân tộc và cho phép viên chức Nhà nước được nghỉ lễ, hưởng nguyên lương.
- Ngày 19.9.1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hồ Chủ tịch đã chọn đền Hùng để gặp gỡ với cán bộ Đại Đoàn 308 - Quân Tiên phong trước khi đơn vị này về tiếp quản Thủ đô. Tại đền Giếng, gặp và nói chuyện với cán bộ từ cấp đại đội trở lên của Đại đoàn 308, Người căn dặn: "Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".
- Năm 1962, Bộ Văn hóa công nhận Đền Hùng là Dí tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia…
- Năm 2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2001/NĐ-CP ngày 6/11/ 2001 về nghi lễ Nhà nước, trong đó có quy định chi tiết nghi lễ tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương.
- Năm 2007, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 73 Bộ luật Lao động cho phép người lao động được nghỉ làm việc hưởng nguyên lương trong ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm.
- Năm 2009, Di tích lịch sử Đền Hùng được Thủ tướng Chính phủ quyết định là Di tích Quốc gia đặc biệt (Quyết định số 1272/QĐ - TTg ngày 12.8.2009).
- Năm 2009, Chính phủ ban hành Đề án tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương.
- Năm 2012, UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Phú Thọ/Báo Phú Thọ