Nuôi chó thả rông, hiểm họa khó lường
Hiện nay, nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh có thói quen nuôi chó thả chạy rông trên đường, không đeo rọ mõm. Nhất là tại thành thị, tình trạng này không những làm mất mỹ quan đô thị và khu dân cư mà còn gây ra nhiều hiểm họa khó lường.
Sự việc đàn chó thả rông cắn chết bé trai 7 tuổi ở Hưng Yên đã gây nên tâm lý lo sợ cho người dân; đồng thời, gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự lơ là quản lý tình trạng thả rông chó. Mặc dù hệ thống văn bản pháp lý để quản lý đã có nhưng cơ quan chức năng chưa quan tâm thực hiện.
Người già và trẻ nhỏ lo sợ chó thả rông ngoài công viên Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn)
Bất an vì chó thả rông
Tại Điều 4, Thông tư số 48/2009/TT-BNNPTNT, ngày 4.8.2009 của Bộ NN&PTNT về hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật, quy định: Ở thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích, phải rọ mõm và có người dắt, không để chó đi lang thang ngoài đường, phố làm mất vệ sinh nơi công cộng. Song, nhiều chủ nuôi vẫn không chấp hành.
Chó cảnh khá hiếu chiến!
Thượng tá Phạm Văn Khánh, Trưởng phòng Cảnh sát cơ động (CA tỉnh), nhận định: “Hiện nay, mọi người có xu hướng nuôi chó cảnh thuộc giống nhập ngoại như Husky, Alaska, Rottweiler. Giống chó này có trọng lượng từ 30 - 70 kg. Chó dòng Rottweiler, Pitbull tuy trung thành, song thuộc giống chó săn nên khá hiếu chiến, đôi lúc lại không nghe theo lệnh chủ. Vì vậy, việc thả rông loại chó này rất nguy hiểm. Chưa kể, việc tiêm vắc- xin cho chó hằng năm cũng ít được chú trọng, điều này rất nguy hiểm nếu xảy ra xung đột”.
Kiều Anh (ghi)
Ghi nhận trên nhiều tuyến phố, khu dân cư ở TP Quy Nhơn cho thấy hiện có nhiều hộ gia đình để chó thả rông, không rọ mõm trên đường. Có người dân còn dắt chó ra bãi biển, phó mặc cho chúng đi lại và thậm chí đưa chó xuống biển để tắm. Chị Nguyễn Thị Cẩm Ly, một cư dân phường Nguyễn Văn Cừ (TP Quy Nhơn), quan ngại: “Nhiều con chó nhìn thấy dữ tợn, lăm lăm chồm tới sủa khi thấy người. Thế mà, tôi chẳng thấy bao rọ mõm gì cả. Chưa kể, số ít chủ nuôi còn đưa chó xuống biển tắm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra bệnh tật”.
Không chỉ ở thành phố, chó thả rông, không rọ mõm xuất hiện phổ biến ở các vùng quê. Đáng ngại, chó thả rông là tác nhân gây TNGT, uy hiếp tính mạng con người, lây lan, làm phát sinh bệnh dại. Mới đây, ở thôn Phú Mỹ 2, xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước), ông N.T.D đang đi xe máy ngoài đường thì bất ngờ bị một con chó béc-giê to cao của bà N.T.V (trú cùng địa phương) lao ra cắn, gây thương tích ở bàn chân. Tức tốc, ông D. được gia đình đưa tới TTYT huyện Tuy Phước để tiêm ngừa bệnh dại. Đáng nói sau vụ việc này, con chó của chủ gia này còn rượt cắn nhiều người khác. Thay vì nhốt hoặc xích lại, chủ nuôi này tiếp tục thả rông chó và cho rằng “chó nuôi đã tiêm vắc-xin phòng bệnh dại”.
Đáng chú ý, tại điểm a, b khoản 2, Điều 7, Nghị định 90/2017/NĐ-CP, ngày 31.7.2017 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y, quy định hành vi không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng; không tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng... bị phạt tiền từ 600 - 800 ngàn đồng. “Văn bản pháp luật quy định xử lý đã có, nhưng thực tế chưa ai bị xử lý”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & Thú y tỉnh, nhìn nhận.
Chủ động phòng ngừa!
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trung bình hàng năm tại Bình Định có khoảng 6.000 lượt người đến tiêm phòng chứng bệnh do chó, mèo cắn. Phần lớn trong số đó là do bị chó cắn. Thời điểm nhiều người bị chó cắn trong năm là dịp Tết Nguyên đán và mùa hè. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh có trên dưới 5 trường hợp tử vong vì bệnh dại, chủ yếu do chó cắn.
Hiện đang bắt đầu vào mùa bệnh dại nhưng tỉ lệ tiêm phòng cho chó vẫn còn rất thấp. Ông Huỳnh Ngọc Diệp cho biết: “Trong tổng đàn gần 207 ngàn con chó đang được nuôi tại các hộ gia đình trên địa bàn toàn tỉnh thì tỉ lệ tiêm phòng chỉ đạt khoảng 20%. Trong khi đó đa phần đàn chó nuôi theo dạng thả rông”.
Chi cục Chăn nuôi & Thú y tỉnh là đơn vị có chức năng quản lý về dịch bệnh, tiêm phòng cho đàn vật nuôi, còn việc quản lý chó thả rông thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương. Theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm giám sát đàn chó trên địa bàn, yêu cầu chủ nuôi đăng ký. Song thực tế, ý thức chấp hành của người nuôi từ việc đăng ký, tiêm ngừa bệnh dại còn rất hạn chế; chính quyền địa phương thì chưa quan tâm đến công tác quản lý.
Trong bối cảnh quản lý chó nuôi còn nhiều bất cập, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo: Người nào nếu chẳng may bị chó, mèo cắn thì nên chích ngừa càng sớm càng tốt để ngăn chặn vi rút dại xâm nhập tế bào thần kinh. Cộng đồng cần chủ động phòng tránh không để bị chó, mèo cắn; hạn chế việc trẻ em đến gần hoặc đùa giỡn với chó, mèo; chủ động chích ngừa dại cho vật nuôi trong gia đình. Nuôi chó mèo thì không nên thả rông mà cần nhốt, xích cẩn thận, rọ mõm khi cho chó ra đường.
TRỌNG LỢI