Hơn cả tình đồng hương
Có phải để ý vì cùng quê Bình Định (anh quê Tây Sơn, tôi Hoài Nhơn) hay không mà khi anh Nguyễn Nam Khánh về làm Chính ủy Sư đoàn 3- Sao Vàng, Quân khu 5 thì anh phát hiện ra tôi có khả năng viết lách, liền đưa lên làm tuyên huấn Sư đoàn. Lúc này, trong đơn vị không gọi theo tên thật mà gọi theo bí danh: Đồng chí Giang Sư đoàn trưởng là Trí, Phó Sư đoàn trưởng, tham mưu trưởng Hữu Anh là Dũng, Chính ủy Khánh là Song, Phó Chính ủy Trọng là Toàn (Trí, Dũng, Song, Toàn).
Như người anh gần gũi
Hồi đó tôi đã để ý đến Lan, đại đội trinh sát (vợ tôi bây giờ), nhưng không dám hé lộ vì kỷ luật chiến trường rất nghiêm. Đang đánh nhau không thể có chuyện yêu đương. Nhưng anh Khánh biết chuyện tình của tôi và rất ủng hộ. Bởi theo anh, những cán bộ đi tập kết trở về như tôi đã lớn tuổi, xứng đáng được hưởng hạnh phúc lứa đôi. Đầu năm 1970, tôi nghe phong phanh mình sẽ ra nhận công tác ở ngoài Quân khu nên thấy hoang mang chuyện riêng của mình. Anh biết chuyện và khuyên tôi cứ yên tâm, cứ để cho Sư đoàn tính. Sau khi đánh chiến dịch Xuân Hè, cả Sư đoàn dời lên vùng núi Cát Sơn (Phù Cát, Bình Định). Anh nói với tôi: “Sắp tới cán bộ các đơn vị sẽ về để rút kinh nghiệm chiến dịch. Sư đoàn tổ chức cưới cho cậu và Lan luôn thể”. Tôi nghe mà ngạc nhiên. Bởi cưới thì phải có kẹo bánh trong khi cả tôi và Lan không có gì cả. Chúng tôi đã cố gắng xuống núi mua một ít nhưng lúc đó đường đi bị bọn lính Nam Triều Tiên phong tỏa dày đặc, đành chịu. Anh Khánh bảo: “Mình có gói trà Plao đây”. Anh Lê Huẩn, Chủ nhiệm chính trị thì tặng gói thuốc con Rồng duy nhất mà anh còn giữ.
Ngày 12.6.1970, trong hang đá (sau này gọi là hang ông Lộc), trước sự chứng kiến của gần một trăm cán bộ các cấp, anh Khánh tuyên bố cuộc thành hôn của hai chúng tôi. Lúc đó chừng 7 giờ tối. Mấy chiếc đèn dầu hỏa chập choạng. Tôi còn nhớ bài phát biểu của anh vô cùng xúc động. Gói thuốc con Rồng được chuyền nhau. Trà được pha loãng trong bi đông, thòng dây từ chóp hang đá xuống, rót ra bát sắt. Ai cũng vui cười, chúc mừng vợ chồng tôi. Chưa kịp vào cuộc họp thì có điện Quân khu vào là địch có thể rải bom B52. Vậy là cả Sư đoàn nhanh chóng di chuyển. Tôi và vợ mỗi người một hướng, phải đến một thời gian dài mới gặp nhau. Anh Khánh sau này cứ trêu: “Hay là Lộc cưới lại đi để hưởng tuần trăng mật!” Khi anh Khánh ra Quân khu làm Phó Chủ nhiệm, tôi được điều ra làm ở Ban Biên tập Báo Quân Giải phóng Trung Trung Bộ và sau đó là Tổng biên tập. Để vợ chồng tôi có thể gần nhau, anh cho đại đội vận tải, nhân tiện vào Sư 3 công tác, đưa vợ tôi ra luôn chiến khu ở Quảng Nam. Nơi cô ấy làm ở đơn vị sản xuất rất heo hút, Lan lại quá bận rộn. Bé Liễu sinh ra được ít lâu, anh Khánh bảo cứ đưa cháu về Tòa soạn, dẫu sao ở đây cũng có người thường xuyên. Vậy là bé Liễu trở thành “lính” của báo. Bác Khánh thường xuyên qua thăm, bồng bế, có cái gì ngon lại dành phần cháu. Sau này khi anh ra công tác ở Hà Nội, tôi ghé thăm, bao giờ anh cũng hỏi tỉ mỉ về đám trẻ nhà tôi với tình thương như trong gia đình.
Những bài báo bút danh N.K
Anh Khánh lên làm Chủ nhiệm Chính trị, rồi Phó Chính ủy Quân khu 5 thì bài vở của báo chúng tôi anh trực tiếp duyệt. Trước đây là đồng chí Đoàn Khuê, Tư lệnh kiêm Chính ủy làm việc này. Tôi còn nhớ anh rất kỹ tính và sâu sát. Anh định hướng chúng tôi trước một chủ trương lớn của Đảng, quân đội, hoặc trước một vấn đề cấp bách của chiến trường, cần có những bài chính luận để bộ đội học tập. Anh định hướng bài viết, nêu các ý chính, còn tôi có nhiệm vụ chắp bút. Nhiều bài viết dài kỳ về rèn luyện tính Đảng, rèn luyện đạo đức cách mạng ký tên N. K đã ra đời như thế có tác dụng rất lớn trong Quân khu. Lúc cao điểm báo chúng tôi có đến 28 người cả cán bộ, phóng viên, nhân viên. Cứ sau mỗi kỳ ma két, anh Khánh lại thường hay đến uống chè, nói chuyện, tìm hiểu cuộc sống từng người. Chính vì thế anh luôn tin tưởng chúng tôi. Trước khi có chiến dịch lớn, anh bảo tôi cho phóng viên đi các hướng để đón đầu sự kiện. Tôi còn nhớ, khi chiến dịch đánh Buôn Ma Thuột sắp diễn ra. Anh bảo chúng tôi đi về Tây Nguyên, lên luôn Tỉnh đội Đắk Lắk cứ chờ sẵn đó. Mặc dù không thật hiểu hết ý định của anh vì cứ nghĩ quân ta sẽ đánh đồng bằng trước nhưng tôi cũng y lệnh. Chiến dịch Buôn Ma Thuột nổ ra, chúng tôi đã có ngay những thông tin nóng hổi từ chiến trường. Khi cử phóng viên đi cánh nào, anh đều trực tiếp gọi điện đến các đơn vị nhắc nhở phải bảo vệ nhà báo chu đáo và tạo điều kiện để anh em tác nghiệp.
Một kỷ niệm tôi nhớ mãi đó là sau khi tôi cử phóng viên Phạm Quang Dụ, người Thanh Hóa, mới về Tòa soạn 2 năm, đi về Sư đoàn 3 ở Bình Định chuẩn bị cho trận đánh lớn. Chưa được bao lâu thì một hôm anh Khánh gọi tôi ra nói nhỏ, vẻ mặt nghiêm trang: “Lộc nè, Đài BBC vừa nói lính Mỹ tóm được một phóng viên ở An Lão. Có phải Dụ đi về hướng đó không?”. Tôi giật mình: “Đúng rồi!”. Những ngày kế đó thật căng thẳng. Trường hợp phóng viên của tôi hy sinh không phải là ít, nhưng thường có nhiều người biết. Còn trường hợp này, các đơn vị không ai hay. Vừa lo lắng cho tính mạng của Dụ, vừa sợ nhỡ Dụ không chịu được sự tra tấn khai ra chiến dịch và nơi đóng quân Bộ Tư lệnh, đồng nghĩa với việc phải di chuyển hoàn toàn. Anh Khánh bảo tôi: “Cứ chờ xem, đài BBC có nói gì nữa không. Mình vẫn tin Dụ.”. Quả đúng như vậy, đã chẳng có chuyện gì xảy ra. Sau này tôi được biết Dụ được một giao liên địa phương dẫn đi và gặp địch phục kích, cả hai hy sinh. Bọn Mỹ dựa vào máy ảnh Dụ mang theo nên biết đó là phóng viên. Chúng tôi đã cố tìm hài cốt Dụ nhưng không thấy, vì sau ngày giải phóng nhân dân quy tập về nghĩa trang và không biết tên tuổi.
Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V, VI, VII; nguyên Ủy viên Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam không còn nữa, nhưng trong tâm trí của người lính Khu 5 chúng tôi, hình ảnh ông vẫn luôn lung linh, gần gũi, vô cùng thân thương. Nhiều người nói rằng, có ông, chiến trường như bớt khốc liệt hơn. Cái dáng to đậm, nụ cười nồng hậu cứ hiển hiện mỗi khi chúng tôi nhớ về ông như nhớ về những năm tháng ác liệt và đầy vinh quang của hai cuộc kháng chiến, cứu nước.
HỒNG VÂN
(Ghi theo lời kể của Đại tá Lê Hữu Lộc, nguyên Trưởng ban tổng kết Công tác Đảng, Công tác Chính trị Quân khu 5)