Con cháu Rồng Tiên hướng về đất Tổ
“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba” là điều đã khắc sâu vào tâm khảm người Việt. Cứ đến dịp này hàng năm, trong lòng mỗi người dân Việt, dù đang sinh sống nơi đâu, cũng một lòng hướng về đất Tổ, Vua Hùng. Tại Bình Ðịnh, nhiều đơn vị đều đặn duy trì hoạt động hưởng ứng ngày Quốc giỗ, và ngày một đông hơn.
Lễ rước kiệu Đền Hùng (Phú Thọ). Ảnh: PHƯƠNG AN
Trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam, giỗ Tổ Hùng Vương và Đền Hùng là biểu tượng của tinh thần yêu nước, đại đoàn kết dân tộc. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với các vị Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước. Với truyền thống tốt đẹp đó, vào năm 2012, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Sum vầy giỗ Tổ
Năm 2019, Lễ giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng do tỉnh Phú Thọ chủ trì còn có sự góp giỗ của 3 tỉnh: Cần Thơ, Nghệ An, Sơn La. Để Lễ giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng trở thành một trong các lễ hội mẫu của cả nước, tỉnh Phú Thọ đã tập trung chỉ đạo để lễ hội diễn ra chu đáo, an toàn. Các hoạt động được tổ chức dựa trên sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa dân gian truyền thống và hiện đại nhằm tạo sức lan tỏa rộng rãi và sự hài lòng cho đồng bào, du khách thập phương về dâng hương, trẩy hội.
Hàng triệu con dân đất Việt hành hương về Đất Tổ mỗi dịp giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng. Ảnh: PHƯƠNG THANH
Chương trình giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2019 được tổ chức từ ngày 1.3 - 10.3 âm lịch (tức từ ngày 5.4 - 14.4) với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng và TP Việt Trì. Trong đó, chương trình khai hội được tổ chức ngày 8.3 âm lịch (tức ngày 12.4).
Hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giày tỉnh Phú Thọ là một hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động của Lễ hội Đền Hùng hàng năm. Ảnh: TRÀ MY
Như mọi năm, Lễ hội Đền Hùng có hai phần: Phần Lễ và phần Hội. Đặc biệt, phần Hội năm nay có 3 hoạt động mới là: hát giao lưu tại khu vực ngã 5 Đền Giếng và Hồ An Tiêm - Khu di tích lịch sử Đền Hùng; trưng bày hoa, cây cảnh tại TP Việt Trì; tổ chức các hoạt động tại sân khấu Quảng trường Hùng Vương. Theo Ban tổ chức, năm nay tỉnh Phú Thọ còn mời một số tỉnh bạn tham gia giao lưu văn hóa như: TP Cần Thơ với tiết mục đờn ca tài tử; tỉnh Sơn La với tiết mục múa xòe và tỉnh Nghệ An với hát Ví Dặm.
Biểu diễn hát xoan Phú Thọ ngày gặp mặt Hội đồng hương đất Tổ tại Bình Định.
Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, dù không nằm trong những tỉnh góp giỗ nhưng hằng năm nhiều đơn vị ở tỉnh Bình Định duy trì những hoạt động tưởng nhớ ngày giỗ Tổ. Và như đã nói ở trên số lượng đơn vị tham gia hưởng ứng giỗ Tổ ngày một đông hơn, vui hơn.
“Mùng Mười tháng Ba” ở Bình Định
Trường THPT Hùng Vương (TP Quy Nhơn) và Công ty CP Cơ điện và xây lắp Hùng Vương (gọi tắt là Công ty Hùng Vương) là hai đơn vị mang cái tên rất đỗi vinh dự, tự hào.
Tự hào vì ngày thành lập của công ty trùng với ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba âm lịch, Công ty Hùng Vương đều đặn tổ chức ngày giỗ Tổ hàng năm. Năm nay công ty vẫn giữ truyền thống tổ chức hành hương về đất Tổ.
Hàng năm, Trường THPT Hùng Vương (TP Quy Nhơn) đều tổ chức Lễ dâng hương giỗ Tổ vào ngày 10.3 âm lịch. Ảnh: NGỌC TÚ
“Ngày giỗ Tổ cũng là sinh nhật của công ty nên từ nhiều năm qua, vào ngày này toàn thể cán bộ, nhân viên đều được nghỉ lễ để cùng nhau tổ chức Quốc giỗ, đây cũng là dịp chúng tôi tuyên dương những cá nhân có thành tích lao động xuất sắc, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển công ty. Năm nay, 5 anh em cán bộ, công nhân của công ty đã về Đền Hùng thắp hương và thỉnh hương đèn về như một cách báo công lên tổ tiên và cầu một năm thuận lợi” - ông Hồ Sĩ Đạo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hùng Vương chia sẻ.
Theo Ngọc phả Hùng Vương chép thời Hồng Đức hậu Lê, từ thời nhà Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần rồi đến Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền, nhân dân cũng đến lễ bái để tưởng nhớ công lao của Đấng Thánh Tổ xưa. Ngày giỗ Hùng Vương được các triều đại phong kiến công nhận là một trong những ngày Quốc lễ của Việt Nam.
Nói đến giỗ Tổ, tại Bình Định, có lẽ niềm nao nức của những người con đất Tổ là sâu đậm nhất. Từ nhiều ngày trước, Hội đồng hương đất Tổ tại Bình Định đã lên kế hoạch chuẩn bị cho buổi gặp mặt nhân ngày giỗ Tổ Hùng Vương mùng Mười tháng Ba âm lịch và kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước 30.4. Trước ngày giỗ Tổ, các thành viên lớn tuổi ngồi với nhau ôn lại ngày còn bé, tuổi còn cắp sách đến trường và ngày giỗ Tổ như là ngày hội của tuổi thơ. Miên man trong nỗi nhớ, cô Nguyễn Thị Hồng Thắm (60 tuổi, hiện đang sống tại TP Quy Nhơn) kể: Ngày đó khoảng cấp 1, cấp 2, cứ đến ngày giỗ Tổ người dân khắp làng lại náo nức, vì nhà tôi ở ngay chân Đền Hùng nên cũng không khó khăn gì để tham gia. Ngày ấy để lên Đền Hùng, phải leo cả ngàn bậc thang, chúng tôi đem cơm nắm theo ăn, nghỉ từng chặng mới đến nơi được. Lên Đền Hùng vào ngày giỗ cảm giác nó kỳ lạ lắm, lòng mình nó nhẹ nhàng hơn, thấy bé nhỏ dưới bóng tổ tiên và tiền nhân, trong không khí chung tự mình thấy mình nên bớt vị kỷ. Thế nhưng mãi khi vào Quy Nhơn sinh sống, nhớ lại cảm xúc đó lại thấy hình như phải xa rồi mới cảm nhận trọn vẹn, mới thấy quý giá cái phút giây lòng mình thanh sạch như thế. Bởi vậy mỗi dịp về thăm quê, chúng tôi lại lên thắp hương kính cẩn cúi đầu trước các Vua Hùng.
Thành lập vào năm 1976, đến nay Hội đồng hương đất Tổ vẫn duy trì hoạt động, gặp mặt vào ngày Quốc giỗ. Ông Nguyễn Quang Chiến, Chủ tịch Hội đồng hương đất Tổ chia sẻ: “Hiện tại Hội có 155 thành viên, ngoài gặp mặt ngày giỗ Vua Hùng, chúng tôi còn duy trì thăm hỏi các cụ già, quyên góp giúp đỡ người đau ốm, những hoạt động đó, chúng tôi muốn mang chút hơi ấm, tình cảm của những người con đất Tổ trao cho nhau”.
Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Cứ một khóa học 3 năm, Trường THPT Hùng Vương lại tổ chức giỗ Tổ bài bản một lần để mỗi khóa học sinh đều được tham gia góp dâng lễ giỗ. Dù năm nay không phải là năm tổ chức lễ giỗ quy mô nhưng vào ngày này cán bộ giáo viên đang công tác, cán bộ giáo viên đã về hưu, học sinh cùng sum vầy dâng lễ vật lên Vua bày tỏ lòng biết ơn thành kính.
Các bé Trường mầm non Sen Hồng (TP Quy Nhơn) biểu diễn hoạt cảnh về Vua Hùng và dâng bánh chưng, bánh giày.
Thầy Võ Kế Phương, Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương chia sẻ: “Đã thành truyền thống, từ cuối tháng 2 âm lịch, thầy cô trong trường bắt đầu bàn nhau việc tổ chức lễ giỗ ra làm sao cho vừa trang trọng ý nghĩa vừa góp phần hun đúc truyền thống dân tộc trong học sinh đồng thời còn gieo vào các em những kỷ niệm không phai về ngôi trường thân yêu. Bởi vậy, đây là dịp để nhà trường giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” bằng hành động thiết thực. Tôi cũng đã suy tính rất nhiều về việc chọn ngày tổ chức, vì ngày 10.3 âm lịch là ngày nghỉ của các thầy cô, Ban giám hiệu đã thảo luận nên chăng chuyển sang ngày khác. Nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn quyết định chọn ngày 10.3 vì ngày này đã in sâu vào tâm thức của mọi người dân Việt rồi”.
Không chỉ học sinh cấp THPT, năm nay tại Bình Định, các bé Trường mầm non Sen Hồng cũng được các cô giới thiệu về ngày mùng Mười tháng Ba, cùng với đó là các hoạt động mang đặc trưng khi nhắc đến giỗ Tổ là gói bánh chưng, bánh giày. Theo đó, các bé được cùng nhau trải nghiệm làm bánh chưng, bánh giày, biểu diễn tiết mục văn nghệ về Vua Hùng và thần dân dâng bánh chưng, bánh giày cho Vua. Theo các cô Trường mầm non Sen Hồng, hoạt động nhằm giúp bé tìm hiểu về 18 đời Vua Hùng và nghe câu chuyện “Sự tích bánh chưng, bánh giày”. Qua đó giáo dục bé về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” thể hiện lòng biết ơn sâu sắc với những người đã có công dựng nước và giữ nước.
THẢO KHUY