Trồng hoa cúc Tết:
Lo... từ đầu đến cuối vụ
Còn khoảng 3 tháng nữa là đến Tết Giáp Ngọ 2014. Hiện các hộ trồng hoa cúc để bán trong dịp Tết đã hoàn tất việc xuống giống cúc. Tuy nhiên, để có một vụ hoa Tết suôn sẻ thì người trồng cúc còn rất nhiều việc phải lo toan...
Hiện nay, hơn 200 hộ dân ở làng hoa Bình Lâm, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, đã hoàn tất công việc xuống giống hơn 50.000 chậu hoa cúc các loại. Ông Nguyễn Quốc Việt, Trưởng thôn Bình Lâm, cho biết: “Từ đầu tháng 5, bà con trồng hoa ở đây đã bắt đầu đúc chậu và lên Đà Lạt đặt hoa cúc giống. Khoảng đầu tháng 7 thì làm đất, trộn tro, phân…, đến tháng 9 thì trồng cây con vào chậu. Đến thời điểm này, người trồng tưới nước cho hoa 2 lần/ngày, phun thuốc cho cây hoa phát triển, để kịp cho hoa nở đẹp và đúng dịp Tết”.
Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Định, thị xã An Nhơn, toàn phường có 50 hộ trồng hoa cúc với hơn 30.000 chậu, trong đó làng hoa Vĩnh Liêm có gần 40 hộ trồng hơn 20.000 chậu, chủ yếu là cúc mâm xôi Nhật Bản, cúc Đà Lạt. Hộ trồng ít khoảng 200 chậu, trồng nhiều khoảng 1.200 chậu.
Ngoài việc tuyển chọn giống cúc đẹp, người trồng hoa cúc còn nắm bắt tâm lý, thị hiếu của khách hàng về kích thước của chậu cúc..., làm sao để có những chậu hoa cúc thật hoàn hảo, rực rỡ trong dịp Tết nhằm có thể bán được giá cao hơn. Năm nay, đa phần người trồng hoa chọn chậu lớn hơn so với mọi năm. Bà Lê Thị Liễu, ở làng hoa Cửa Tiền (phường Bình Định), cho biết: “Mấy năm trước, gia đình tôi thường trồng hoa cúc vào chậu có đường kính từ 43 đến 50 cm, hoặc lớn lắm thì 60 cm, loại 43 cm bao giờ cũng bán chậm do ít người mua. Năm nay, rút kinh nghiệm thị trường nên nhà tôi chỉ đúc chậu 50 cm trở lên, trong 400 chậu cúc vừa trồng có hơn 2/3 số chậu có đường kính 65 cm trở lên”.
Ngay từ đầu vụ, người trồng cúc đã gặp phải thời tiết không thuận lợi. Ông Lê Văn Hóa, ở làng hoa Bình Lâm, bộc bạch: “Năm nay, nhà tôi trồng 1.500 chậu hoa cúc đại đóa nhưng mới đầu vụ đã gặp mưa lớn, một số cây bị chết, một số phát triển chậm nên tôi lo chất lượng hoa sẽ không tốt. Trồng cúc mà gặp mưa nhiều và nặng hạt thì cây dễ thối rễ; thời tiết lạnh cũng là điều kiện tốt để dịch bệnh phát triển hại cây. So với năm trước, năm nay thời tiết bất lợi hơn nhiều”.
Không những lo lắng về thời tiết không thuận, người trồng hoa cúc còn trăn trở vì chi phí đầu tư trồng cúc năm nay tăng cao. Ông Huỳnh Minh Chánh, ở làng hoa Vĩnh Liêm (phường Bình Định), cho hay: “Năm nay, tiền giống từ 190-210 ngàn đồng/1.000 cây, tăng từ 20-40.000 đồng so với năm ngoái; tiền tre 25.000 đồng/cây, tăng 5.000 đồng/cây; tiền thuê công nhân cũng đến 120-160 ngàn đồng/người/ngày… Nếu tính hết, chi phí đầu tư một chậu hoa khoảng 60-80.000 đồng. Năm trước, trồng 500 chậu cúc, tôi lãi được 25 triệu, năm nay trồng 600 chậu nhưng chưa biết lời lãi thế nào”.
Bắt đầu xuống giống cũng là lúc nhiều người trồng hoa cúc đã lo tìm “đối tác” cho đầu ra. Ông Lê Văn Long, ở làng hoa Vĩnh Liêm, chia sẻ: “Những năm gần đây, vào những ngày cận Tết, hoa vẫn còn nhiều, có người bán không hết phải nhổ bỏ. Rút kinh nghiệm, năm nay trước khi xuống giống, tôi liên hệ với những người kinh doanh hoa Tết để họ đặt hàng về loại hoa, số lượng, thời điểm cung ứng. Chờ đến khi thu hoạch, thương lái đến mua theo số lượng đã đặt, số còn lại tôi bày bán tại vườn. Năm trước, giá bán sỉ tại vườn từ 200-300 ngàn đồng/chậu cúc đẹp. Hy vọng giá cúc Tết năm nay sẽ cao hơn vì giá đầu tư tăng khoảng 10% so với mọi năm”.
ĐÌNH PHÙNG