Gắn trách nhiệm người đứng đầu
Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính trong thời gian tới.
Cơ sở quan trọng để tiếp tục thực hiện mục tiêu cải cách hành chính (CCHC) là Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 8.11.2011 của Chính phủ và Chương trình hành động số 05-CTr/TU ngày 20.10.2016 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh về CCHC, trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2020.
Điểm nhấn cải cách TTHC
Theo ông Nguyễn Thanh Vũ - Quyền Trưởng phòng CCHC (Sở Nội vụ), dấu ấn trong hoạt động CCHC năm qua là công tác cải cách TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông gắn với ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả đã tạo thuận lợi, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho người dân và DN.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đi vào hoạt động góp phần nâng cao hiệu quả CCHC.
Thực hiện Kế hoạch Hoạt động kiểm soát TTHC năm 2018 và Kế hoạch Rà soát, đánh giá TTHC năm 2018, các đơn vị trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ về kiểm soát TTHC và rà soát, đơn giản hóa TTHC. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đã chủ động đăng ký bổ sung rà soát TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết. Kết quả trong năm 2018, đã thực hiện rà soát và đề nghị cắt giảm thời gian giải quyết đối với 83 TTHC.
96,73% hồ sơ giải quyết sớm và đúng hạn
Kết quả giải quyết TTHC năm 2018, các cơ quan chuyên môn, UBND cấp huyện đã tiếp nhận 194.404 hồ sơ; trong đó, khối các sở, ngành 89.301 hồ sơ, khối UBND cấp huyện 99.703 hồ sơ. Kết quả, đã giải quyết, trả kết quả sớm và đúng hạn 188.045 hồ sơ (đạt 96,73%), trễ hạn 6.359 hồ sơ (chiếm 3,27%).
Trong năm qua, UBND tỉnh cũng đã ban hành 46 quyết định công bố 712 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị theo quyết định công bố TTHC của các bộ, ngành trung ương. Trong đó, cấp tỉnh có 514 TTHC, cấp huyện có 109 TTHC, cấp xã có 57 TTHC.
Trên cơ sở quyết định công bố TTHC của Chủ tịch UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã kịp thời công khai các TTHC tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả và trên Trang thông tin điện tử của đơn vị. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã công khai các TTHC trên Trang dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC để người dân và DN biết, thực hiện.
Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu
Dù đã có nhiều kết quả tích cực, nhưng công tác CCHC vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh. TTHC trên một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà. Hoạt động của bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả tại một số cơ quan, đơn vị còn mang tính hình thức, hiệu quả giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông còn hạn chế, đặc biệt trong việc giải quyết TTHC về đất đai đối với Văn phòng đăng ký đất đai một cấp. Đáng chú ý, chất lượng ban hành, năng lực thực thi các quy định, cơ chế, chính sách còn chưa cao, chưa sát tình hình thực tiễn; năng lực chỉ đạo, điều hành công tác CCHC chưa cao.
Do đó, Kế hoạch CCHC năm 2019 nhấn mạnh nhiệm vụ tăng cường trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị và người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở trong việc triển khai nhiệm vụ CCHC; gắn việc thực hiện nhiệm vụ CCHC với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm. Trong đó, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành và kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ về CCHC. Qua đó, tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC của tỉnh theo kết quả xếp hạng chỉ số CCHC của Bộ Nội vụ; phấn đấu nâng cao thứ hạng Chỉ số CCHC.
Ông Nguyễn Thanh Vũ cho biết, giải pháp quan trọng là quy định trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ CCHC. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai công tác CCHC và các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng CCHC của tỉnh, coi đây là tiêu chí đánh giá quan trọng về kết quả, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành.
Cụ thể, thực hiện kiểm tra công tác CCHC ít nhất đối với 30% cơ quan hành chính cấp tỉnh và UBND cấp huyện. UBND cấp huyện kiểm tra ít nhất đối với 30% đơn vị cấp xã. 100% cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức tự kiểm tra công tác CCHC trong nội bộ cơ quan và đơn vị trực thuộc. Mặt khác, sẽ thực hiện thí điểm việc đánh giá năng lực điều hành của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND cấp huyện.
Nhân rộng mô hình bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả hiện đại
Ðến hết năm 2018, đã có 21/21 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, 11/11 UBND cấp huyện, 159/159 UBND cấp xã thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Có 3/11 cơ quan hành chính cấp huyện (TP Quy Nhơn, huyện Tuy Phước, huyện Hoài Nhơn) thực hiện mô hình bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả hiện đại. Chỉ tiêu phấn đấu đến cuối năm 2019, có ít nhất 70% đơn vị cấp huyện, 20% đơn vị cấp xã thực hiện mô hình bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả hiện đại.
MAI LÂM