Lâm nghiệp bền vững với rừng gỗ lớn
Nhằm nâng cao chất lượng rừng trồng theo hướng bền vững, tỉnh ta đang khuyến khích tổ chức, cá nhân chuyển dần từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn, góp phần tăng giá trị kinh tế rừng trồng, bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu.
Theo Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT), năm 2018, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2035. Đến năm 2025, diện tích rừng trồng gỗ lớn tập trung của tỉnh đạt 10.000 ha; cung cấp nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy chế biến gỗ tinh chế trên địa bàn tỉnh đạt trên 50%; xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng rừng trồng kinh doanh gỗ lớn. Đến năm 2035, diện tích rừng gỗ lớn toàn tỉnh sẽ đạt 30.000 ha. Đến nay, có 3 công ty lâm nghiệp: Quy Nhơn, Sông Kôn, Hà Thanh đã và đang thực hiện thí điểm việc chuyển đổi rừng trồng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn với tổng diện tích rừng trồng hơn 1.000 ha.
Công nhân Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn chăm sóc rừng trồng.
Từ năm 2016 đến nay, Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn (TP Quy Nhơn) đã bắt đầu chuyển đổi 113,5 ha rừng gỗ nhỏ (cây trồng 4 - 5 năm) sang trồng rừng gỗ lớn. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó phòng Kỹ thuật Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn (TP Quy Nhơn), xác nhận: Đến nay, phương án trồng rừng gỗ lớn của đơn vị đã được ngành Nông nghiệp tỉnh phê duyệt. Công ty cũng sẽ chuyển sang sử dụng giống cây lâm nghiệp nuôi cấy mô để trồng, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng. Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Đạo, Chủ tịch công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Côn (huyện Vĩnh Thạnh), cho biết: “Chúng tôi sẽ chuyển hóa khoảng 1.000 ha rừng cây gỗ nhỏ trong tổng diện tích 1.500 ha rừng sản xuất của công ty để trồng rừng gỗ lớn. Hiện, chúng tôi cũng đang xây dựng Dự án trồng rừng gỗ lớn để trình Sở NN&PTNT phê duyệt”.
Có bước tiến dài và mạnh mẽ nhất là công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh (huyện Vân Canh), hiện công ty đã chuyển hóa 347 ha rừng sản xuất (cây gỗ 8 - 9 năm) sang trồng rừng gỗ lớn và đang xây dựng Dự án trồng rừng gỗ lớn để trình ngành Nông nghiệp tỉnh phê duyệt. Ông Lê Sỹ Lưu, Trưởng phòng Kế hoạch của công ty, cho biết: “Công ty chúng tôi đã trồng được hơn 2.600 ha rừng sản xuất. Từ nay đến năm 2025, chúng tôi sẽ chuyển dần toàn bộ đất rừng sản xuất sang trồng rừng gỗ lớn với diện tích hơn 2.500 ha theo dự án đang xây dựng. Còn lại khoảng 69 ha diện tích rừng gần khu dân cư, công ty sẽ làm thủ tục bàn giao lại cho địa phương quản lý”.
Theo các chuyên gia của ngành lâm nghiệp, Bình Định có nhiều tiềm năng, lợi thế về kinh tế rừng trồng. Tuy nhiên, người trồng rừng chỉ trồng rừng gỗ nhỏ từ 6 - 7 năm là khai thác để bán, nên giá trị không cao. Nếu tính trên cùng một đơn vị diện tích, rừng trồng gỗ nhỏ khi khai thác lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng/ha, nếu trồng sau 10 năm thành rừng gỗ lớn, lợi nhuận khi thu hoạch sẽ tăng từ 2 - 2,5 lần. Đó chỉ mới là lợi nhuận thô, trong quá trình nuôi rừng lớn các lợi ích kéo theo cũng lớn và đa dạng hơn rất nhiều so với rừng gỗ nhỏ. Xét về chiến lược dài lâu, lợi ích bền vững, trồng rừng gỗ lớn không chỉ nâng cao giá trị rừng trồng, mà còn góp phần chống xói lở đất, chống biến đổi khí hậu…
Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm, cho biết: Ngành Nông nghiệp tỉnh đang xây dựng chính sách hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn để trình UBND tỉnh phê duyệt, nhằm khuyến khích hỗ trợ người dân trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng gỗ lớn với nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ về đất đai, tín dụng, cấp chứng chỉ rừng, làm đường lâm sinh… Đồng thời cũng đang triển khai xây dựng Đề án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC cho gỗ rừng trồng trên địa bàn tỉnh, nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trong đó có lĩnh vực lâm nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
* Bình Ðịnh hiện có 94.489,3 ha rừng trồng trong quy hoạch đất lâm nghiệp, gồm: 64.565,81 ha rừng sản xuất, diện tích còn lại là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Trong đó, rừng sản xuất của hộ gia đình, cá nhân chiếm 80%, 20% diện tích rừng còn lại của các tổ chức, DN. Toàn tỉnh hiện có 10.115,4 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC; trong đó, DN nước ngoài 9.762,6 ha, hộ gia đình 352,8 ha.
* Forest Stewardship Council (Hội đồng quản lý rừng) là Tổ chức phi chính phủ được thành lập năm 1993 tập hợp các tổ chức phi chính phủ về môi trường, các tổ chức buôn bán gỗ, các nhà lâm nghiệp, người dân bản địa và các tổ chức chứng nhận đại diện trên thế giới. Tổ chức này được xem là tổ chức duy nhất được công nhận toàn cầu về phát triển các tiêu chuẩn chứng nhận về rừng. Các chuyên gia đã chỉ ra rằng có được chứng chỉ rừng FSC sẽ có những lợi thế tốt hơn khi gia nhập thị trường quốc tế, có doanh thu cao hơn, nhìn thấy những thay đổi rõ rệt trong việc gia tăng hình ảnh tích cực trong mắt người tiêu dùng.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN