Áp dụng quy trình sản xuất thâm canh cải tiến: Giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất
Phương pháp sản xuất thâm canh cải tiến và quản lý dịch hại tổng hợp đã tác động tích cực đến tập quán canh tác của nông dân, góp phần hạn chế chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái.
Nhiều lợi ích
Với bà Trần Thị Vân, ở xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, phương pháp sản xuất thâm canh cải tiến (SRI) lúa và phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây lúa đã trở nên quen thuộc. Nhiều năm qua, vụ sản xuất nào, ruộng lúa của bà Vân cũng xanh tốt, ít sâu bệnh và cho năng suất cao.
Bà Vân chia sẻ: Trước đây, chúng tôi thường làm đất, ngâm ủ giống theo thói quen và gieo sạ với mật độ 120 kg lúa giống/ha. Cứ nghĩ sạ dày thì lúa càng nhiều cây và cho nhiều bông; phân nhiều, nước nhiều ắt lúa sẽ tốt. Ra đồng thấy có sâu bệnh là mua thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) về phun. Từ khi áp dụng phương pháp SRI và IPM mới thấy cách làm trước đây là tốn kém và thiếu khoa học. Gieo sạ dày đã hao tốn lúa giống mà cây trồng lại khó đẻ nhánh, phát triển không đồng đều. Việc tưới tiêu, bón phân, phun thuốc không đúng thời điểm, liều lượng, chủng loại và không đúng cách vừa mất nhiều công sức lại gây lãng phí tiền của, năng suất lúa thấp, thu nhập không cao mà còn ảnh hưởng môi trường. Áp dụng SRI, IPM hạ được chi phí ban đầu đã thấy có lợi, nhưng kết quả năng suất cao, ít công chăm sóc mới là cái lợi lớn.
Nông dân xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước áp dụng phương pháp sản xuất thâm canh cải tiến lúa và phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp đạt hiệu quả.
Khi mới tiếp cận với SRI và IPM, nhiều nông dân ở các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Tây Sơn... đều “bán tín bán nghi”. Nhưng khi có trải nghiệm, thực chứng hiệu quả từ 2 phương pháp trên, họ áp dụng ngay. Bà Trần Thị Xuân, ở xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, cho hay: Từ khi áp dụng quy trình SRI và IPM, tôi đã giảm được chi phí đầu tư nhờ giảm lượng lúa giống, thuốc BVTV, công chăm sóc, nước tưới. Năng suất lúa đạt gần 4 tạ/sào, cao hơn trước gần 1 tạ/sào, lợi nhuận cao hơn 2,5 triệu đồng/ha. Các DN trong và ngoài tỉnh cũng rất thích mua sản phẩm có áp dụng quy trình SRI và IPM”.
"Canh tác lúa cải tiến SRI và IPM là 2 phương pháp sản xuất lúa gạo tiên tiến, hiệu quả, thân thiện với môi trường; tăng sản lượng lúa; giảm thiểu lượng nước tưới, giống, phân bón, thuốc BVTV phòng trừ các loại sâu bệnh và công lao động; đồng thời giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính”.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Tố Trân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh
TS Nguyễn Thị Tố Trân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, một trong những đơn vị được giao nhiệm vụ chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, cho biết: Canh tác lúa cải tiến SRI và IPM là 2 phương pháp sản xuất lúa gạo tiên tiến, hiệu quả, thân thiện với môi trường; tăng sản lượng lúa; giảm thiểu lượng nước tưới, giống, phân bón, thuốc BVTV phòng trừ các loại sâu bệnh và công lao động; đồng thời giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Thực tế, nhiều mô hình trung tâm tổ chức thực hiện và chuyển giao cho nông dân đều cho kết quả rất khả quan. Chẳng hạn như tại xã Phước Hưng, áp dụng cùng lúc 2 phương pháp nói trên đã giúp nông dân giảm từ 25 - 30% lượng nước tưới; 40% lượng lúa giống; hạn chế tối đa phân hóa học, thuốc BVTV và thời gian chăm sóc; lợi nhuận tăng từ 25 - 35% so với phương pháp sản xuất truyền thống. Tại xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, áp dụng phương pháp SRI và IPM trong sản xuất đậu phụng, giúp bà con nông dân giảm được chi phí đầu tư, lợi nhuận tăng gần gấp đôi cách làm truyền thống.
Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất
Vụ Đông Xuân 2018 - 2019, tỉnh ta có 132 cánh đồng mẫu, cánh đồng lớn sản xuất lúa giống, cây trồng cạn và rau xanh với hơn 8.000 ha được nông dân áp dụng thành công phương pháp SRI và IPM. Có nhiều DN đã mua sản phẩm của nông dân với giá cao hơn so với các sản phẩm cùng loại nhưng sản xuất theo phương pháp thông thường. Đó là một trong những yếu tố quan trọng để ngày càng nhiều nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp hơn thì việc duy trì và phát triển diện tích sản xuất các loại cây trồng áp dụng phương pháp SRI và IPM là việc làm cần thiết. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với ngành chức năng và chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác chuyển giao quy trình kỹ thuật, phương pháp SRI và IPM cho nông dân. Mặt khác, hỗ trợ các HTX xây dựng các cánh đồng sản xuất các loại cây trồng tập trung có áp dụng 2 phương pháp nói trên, đồng thời kêu gọi và giới thiệu DN ký hợp đồng với HTX để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, đảm bảo lợi ích cho nông dân.
PHẠM TIẾN SỸ