Cội nguồn của hạnh phúc
Dân tộc Việt là một cộng đồng trồng lúa nước. Với người Việt, không có gì quý bằng hạt gạo, mà họ ví như “hạt ngọc của trời”. Dĩ nhiên, hạt nếp là anh em ruột với hạt gạo tẻ, có lẽ là em, nên được yêu quý hơn một chút. Bây giờ, mỗi khi ăn được bát xôi ngon, tôi đều cảm thấy mình thăng hoa, một cảm giác rất khó tả. Ðó là cảm giác của hạnh phúc. Nhân ngày giỗ Tổ Hùng Vương xin được tâm sự đôi điều.
Tôi nghĩ từ thời các Vua Hùng, khi người Việt bắt đầu mở nước và dựng nước, đồng thời trồng lúa nước - lúa tẻ và lúa nếp, cảm giác hạnh phúc ấy đã có. Tức là tổ tiên ta may mắn được hạnh phúc rất sớm.
* * *
Nếu theo truyền thuyết, Lạc Long Quân và Âu Cơ đưa năm mươi con xuống biển, năm mươi con lên rừng, thì đó cũng chỉ là tượng trưng. Vì ngay từ hồi xưa ấy, hầu hết người Việt đã là nông dân. Có xuống biển, có lên rừng, nhưng khai phá những vùng đồng bằng trồng lúa nước là chính. Từ đó, thực phẩm chủ yếu của người Việt hàng ngày là cơm gạo tẻ. Trong những ngày đặc biệt hơn, người Việt dùng gạo nếp.
Kể đến đây hẳn bạn sẽ hỏi luôn, tại sao Vua Hùng chọn Lang Liêu là người kế vị? Không chỉ vì Lang Liêu dâng lên Vua vật phẩm bánh chưng bánh giày, tượng trưng trời tròn đất vuông như truyền thuyết kể cho con trẻ nghe. Lang Liêu dâng lên Vua cha, cội nguồn - tinh hoa của lúa - là gạo nếp. Đó là phẩm vật quý nhất của người Việt trồng lúa nước mãi cho đến ngày nay. Và đó cũng là cội nguồn của hạnh phúc. Bởi từ bấy đến giờ, trên những mâm cao cỗ đầy dâng lên ông bà tổ tiên, chưa bao giờ thiếu cơm gạo tẻ và xôi - tất cả các loại xôi đều có nếp. Mấy ngàn năm đã qua mà phẩm vật tiên tổ không hề suy xuyển tưởng là phúc đức dòng giống chúng ta rất dày. Không hạnh phúc thì gọi là gì!
Hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giày tỉnh Phú Thọ là một hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động của Lễ hội Đền Hùng hàng năm. Ảnh: TRÀ MY
Trở lại với câu chuyện tôi đang kể, Vua Hùng nhận ra ngay, con trai Lang Liêu của người đã dâng lên vật phẩm bánh chưng bánh giày - đó chính là một cam kết thầm lặng, một khế ước ẩn trong mâm phẩm vật dâng lên cha - mãi mãi gắn bó số phận mình với lúa gạo. Nghĩa là gắn bó số phận mình với nhân dân. Bởi cội nguồn hạnh phúc của Lang Liêu là ở nhân dân.
“Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba” (Ca dao). Bây giờ, tất cả người Việt Nam khi nhớ về ngày giỗ Tổ, là nhớ ngay tới vật phẩm được Lang Liêu dâng lên Vua cha, và vật phẩm ấy được Vua cha chọn làm biểu tượng quốc gia. Hạt gạo nếp được tôn vinh như một quý phẩm, đúng là “hạt ngọc của trời”. Và là biểu tượng của người Việt trồng lúa nước.
Có lẽ bánh chưng và bánh giày được Lang Liêu dâng Vua cha có kích thước đúng bằng những chiếc bánh chưng bánh giày chúng ta vẫn ăn ngày nay. Không có chuyện dâng bánh chưng bánh giày với kích thước “khủng” như một số người, đơn vị bây giờ vẫn đua nhau cung tiến. Cái lớn lao nhất của bánh chưng bánh giày nằm ở nguyên liệu chế tác ra nó, đó là từng - hạt - gạo - nếp, tuyệt đối không bao giờ thuộc về kích thước chiếc bánh.
Bây giờ, mỗi miền quê Việt Nam đều có vùng đất nổi tiếng vì đặc sản gạo nếp. Như đất Việt ta, mỗi miền đất đều có những anh hùng chống giặc ngoại xâm.
Nhưng vì sao, trong ngày giỗ Tổ tôi vẫn nghĩ tới miền quê Bình Định, nơi khởi phát phong trào Tây Sơn, nơi xuất hiện một ngôi sao sáng chói là người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Đã nói là “người anh hùng áo vải” là nói, người anh hùng ấy xuất thân từ nhân dân, từ nông dân. Nếu bây giờ ta hay nói, trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chống bành trướng phương Bắc xâm lược, nông dân là chủ lực quân của Việt Nam, thì thời Tây Sơn cũng vậy. Dù Nguyễn Huệ có tập hợp được nhiều thành phần trong đội quân khởi nghĩa và chống giặc ngoại xâm của mình, kể cả những “đội quân giang hồ” có nguồn gốc Trung Hoa, thì “chủ lực quân” của nhà Tây Sơn vẫn là những người nông dân Việt, dù họ ở Bình Định, Quảng Ngãi, Tây Nguyên, hay Phú Xuân, Nghệ An, dù họ mang theo hành trang hành quân của mình thứ lương thực chủ yếu là bánh tráng hay bánh tét.
Và các bạn biết không, ở Bình Định không chỉ có bánh tráng làm từ gạo tẻ. Bình Định còn một vùng quê sản xuất ra thứ “hạt ngọc trời cho” làm vinh danh cho người nông dân và nghề nông Bình Định. Đó là vùng quê Phù Mỹ với đặc sản gạo nếp Bàu Chánh Trạch nổi tiếng thơm ngon. Người ta xác nhận, mỗi khi đồng lúa nếp nơi đây phát triển đến giai đoạn dậy thì, cả một vùng rộng lớn chung quanh thoang thoảng một mùi hương thơm rất đặc trưng không lẫn vào đâu được. Nếp Bàu Chánh Trạch đem nấu rượu, đồ xôi, làm bánh chưng bánh tét thì thơm ngon hết ý.
Vâng, người Bình Định không có tập tục làm bánh giày, và họ thay bánh chưng bằng bánh tét, nhưng cội nguồn của các thực phẩm này đều là gạo nếp. Nếu bánh chưng tượng trưng cho “đất vuông” thì mỗi đòn bánh tét tượng trưng cho cái gì? Nó có thể tượng trưng cho cả một dải đất hẹp miền Trung, nơi có cả núi và biển, nơi những đứa con của Âu Cơ và Lạc Long Quân rất dễ nhìn ra nhau, tìm thấy nhau, dù kẻ trên rừng người dưới biển, nơi đòn bánh tét kết nối cả rừng, biển và đồng bằng trong một công cuộc khai mở và lao động cần cù quanh năm suốt tháng.
Hạt nếp Bàu Chánh Trạch của Bình Định mãi đến bây giờ vẫn thơm ngon lạ kỳ như vậy, nó gợi nhớ, nó nhắc chúng ta nhớ đến cả một lịch sử dựng nước và giữ nước của người Việt, từ các Vua Hùng, từ Vua cha tới Lang Liêu và tiếp nối tới Quang Trung Nguyễn Huệ oai hùng, tới thời đại Hồ Chí Minh - một vĩ nhân quê đất miền Trung.
Hạt gạo nếp đặc sản của cánh đồng Bàu Chánh Trạch làm nên đòn bánh tét dâng lên ngày giỗ Tổ các Vua Hùng, dâng lên Lang Liêu một thủ lĩnh nông dân, dâng lên Nguyễn Huệ cũng là một thủ lĩnh nông dân vĩ đại, dâng lên Hồ Chí Minh người khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đó là điều vô cùng đặc biệt. Hãy nhìn lịch sử Việt Nam từ hạt gạo tẻ, hạt gạo nếp, và ta sẽ tìm đến được cội - nguồn - của - hạnh - phúc.
Cội nguồn của hạnh phúc nằm ở hạt gạo nếp bé nhỏ, chứ không nằm ở những resort hay cao ốc nguy nga. Hãy cảm nhận sâu sắc điều đó trong ngày giỗ Tổ Hùng Vương.
Không ai phủ nhận sự phát triển, nhưng ai cũng cần xác nhận được cội nguồn của hạnh phúc đời mình. Bởi, nói cho cùng, hạnh phúc là món quà lớn lao nhất dành cho mỗi con người.
Vì sao người Việt có tục thờ cúng tổ tiên ông bà, có ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba? Và tại sao trong ngày trọng đại ấy, hạt gạo nếp lại được chọn là vật phẩm dâng cúng?
Bởi một điều đơn giản, hạt gạo nếp ấy biểu trưng cho hạnh phúc. Với người Việt, nó là cội nguồn của hạnh phúc.
Đừng bao giờ quên điều ấy!
THANH THẢO