Người đất Tổ bén rễ xanh cây nơi đất Võ
Như là duyên nợ, bao nhiêu thời gian trôi qua, rất nhiều người đến từ đất Tổ (gồm 2 tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc) đã gắn bó với đất Võ - Bình Ðịnh, sinh con đẻ cháu, giờ đây khi đã bén rễ xanh cây, với họ Bình Ðịnh đã là quê hương.
Sắp đến ngày giỗ Tổ, những người con đất Tổ quây quần bên nhau bàn tính chuyện gặp mặt tưởng nhớ ngày giỗ Vua Hùng. Năm nay, vì có nhiều thành viên cốt cán có việc bận đi xa nên ngày gặp mặt không biểu diễn mời trầu, hát xoan Phú Thọ, nhưng dù vậy hội vẫn tổ chức văn nghệ để không khí thêm xôm tụ.
Hội hiện có 155 hội viên đang sinh hoạt, nhiều người đã lớn tuổi, có cụ đã 98 tuổi. Nhiều người đã có con lại có dâu, rể là người Bình Định. Những người đất Tổ ở Quy Nhơn - Bình Định thường tâm đắc một điều thú vị khi quê gốc là đất Vua - Vua Hùng, vào quê hương thứ 2 sinh sống cũng là đất Vua - Vua Quang Trung.
Gặp mặt Hội đồng hương đất Tổ tại Bình Định năm 2018.
Vào Bình Định năm 1980, sau khi học xong bậc phổ thông ở quê nhà, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm vào Bình Định học Trường Cơ điện Quy Nhơn (nay là Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn), sau đó công tác tại Công ty Ngoại thương của Liên hiệp xuất nhập khẩu tỉnh Bình Định. Đã ở tuổi nghỉ hưu, bà Thắm càng có điều kiện đưa gia đình, con cháu thăm thú quê hương của cả 2 bên nội, ngoại. Bà kể: Quê chồng ở Tây Sơn, Bình Định. Tôi là con cháu Vua Hùng còn chồng tôi là con cháu Vua Quang Trung. Con Rồng cháu Tiên hết đấy. Vừa rồi tôi dẫn gia đình con, dâu về nội ăn giỗ sau đó đi Bảo tàng Quang Trung. Đến đó, tôi cùng bọn trẻ đều thực hiện những nghi thức truyền thống như dâng hương, uống nước, rửa mặt bằng nước giếng của Vua để xin lộc. Thỉnh thoảng tôi lại đưa con gái về Phú Thọ vì cháu làm dâu ở quê mẹ. Những sợi rễ tình cảm cứ bện chắc hai vùng quê như thế nên tôi thấy mình rất hạnh phúc.
Sinh sống và làm việc xa quê nên cứ đến ngày giỗ Tổ, nhiều người lại nhớ nơi chôn nhau cắt rốn. Thấm thoắt như thế mà người ít cũng đã mươi năm ở Quy Nhơn, Bình Định, còn người nhiều thì gần nửa thế kỷ. Điểm vui là ai cũng mừng vì đã chọn Bình Định dừng chân!
Năm 1971, ông Nguyễn Quang Chiến (68 tuổi, Chủ tịch Hội đồng hương đất Tổ tại Bình Định) vào tham gia kháng chiến ở chiến trường miền Trung - Tây Nguyên, khi hòa bình ông về Bình Định công tác tại Sở Giao thông. Nói về quãng thời gian xa cách quê hương sinh sống ở Bình Định, ông Chiến bày tỏ: Tôi có 2 con, cả 2 đứa đều ở lại đây lập nghiệp. Giờ lại có thêm 3 đứa cháu nữa rồi. Tôi đã đi nhiều nơi rồi, với tôi Bình Định là một trong những vùng đất yên bình nhất. Thứ gì ở đây cũng dễ chịu, bà con thì hiền hòa, giàu tinh thần đùm bọc, thời tiết, khí hậu thì không quá gay gắt.
Không vào Bình Định thời thanh niên nhưng khi nói đến nơi mình đang sống, ánh mắt ông Nguyễn Văn Phúc (71 tuổi) rất trìu mến. “Tôi gắn bó với Quy Nhơn 20 năm nay, người thân, chị em ruột đều vô đây công tác nên tôi chuyển vào đây sống cùng mọi người. Điều tôi thấy hay nhất là nơi đây vừa có biển vừa có núi và không bao giờ có chuyện tắc đường, con người thẳng tính bộc trực. So với hồi tôi mới vào, Quy Nhơn nay thay đổi nhiều lắm, thoáng - xanh - đẹp hẳn ra. Bạn bè tôi vào thăm chơi ai cũng bảo tôi được ở nơi sung sướng”.
Đang sinh sống tại thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước), cưới vợ là người Phù Mỹ, ông Nguyễn Thanh Hùng theo dõi rất kỹ sự phát triển từng ngày của Bình Định, ông nhận định: Bình Định là vùng đất địa linh nhân kiệt, sống dễ chịu. Dù vậy, tôi nghĩ nơi đây nên có sản phẩm du lịch và các địa điểm du lịch nên có điểm kết nối, có nơi để cho khách tiêu tiền như vậy đời sống người dân được phát triển hơn.
Trò chuyện cùng những người đất Tổ đã có không ít thời gian gắn bó tại Bình Định, dù kể bao nhiêu câu chuyện, cuối cùng ai cũng tâm niệm rằng “đất lành chim đậu”!
THẢO KHUY