Khai thác tiềm năng hợp tác kinh tế giữa CH Séc và Việt Nam
Trong những ngày gần đây, báo chí sở tại đã đưa tin về chuyến thăm chính thức CH Séc của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 16 - 18.4.2019, trong đó nhấn mạnh tới ý nghĩa thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babiš bên lề Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sĩ), sáng 25.1.2019. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Trang vlada.cz của Chính phủ Séc đưa tin Văn phòng Chính phủ Séc thông báo, ngày 17.4, Thủ tướng Séc Andrej Babis sẽ chủ trì Lễ đón chính thức Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, đồng thời nhấn mạnh một trong những nội dung trọng tâm của cuộc hội đàm giữa hai Thủ tướng là thảo luận tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước, trong đó Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) sẽ tạo điều kiện thúc đẩy trao đổi thương mại song phương. Hai Thủ tướng sẽ khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp và đầu tư Séc - Việt. Đây là cuộc gặp lần thứ hai giữa hai thủ tướng sau cuộc gặp bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sỹ, vào tháng 1.2019.
Trước đó, trang www.cvs-praha của Hội Hữu nghị Séc - Việt đã đăng bài viết với tiêu đề “Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm chính thức CH Séc”, trong đó nhấn mạnh Chủ tịch danh dự Marcel Winter, Chủ tịch Milos Kusy cùng lãnh đạo Hội Hữu nghị Séc - Việt bày tỏ vinh dự và vui mừng được gặp Thủ tướng Việt Nam.
Điều này thể hiện sự trân trọng của Việt Nam đối với những nỗ lực trong suốt 22 năm qua của Hội Hữu nghị Séc - Việt trong việc ủng hộ và hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở Séc hội nhập vào xã hội sở tại cũng như phát triển quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Séc.
Trang parlamentnilisty.cz của Nghị viện Séc đăng bài viết với tiêu đề “Tiềm năng thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Séc và Việt Nam”, trong đó nhấn mạnh hai nước có mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống và có nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới, nhất là về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư.
Bài báo nhấn mạnh, trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng được tăng cường, nhất là thông qua chuyến thăm Việt Nam tháng 6.2017 của Tổng thống Séc Milos Zeman và chuyến thăm Séc tháng 4.2017 của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân. Quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước đã tạo đà phát triển hợp tác song phương, trong đó có lĩnh vực kinh tế - thương mại.
Séc coi Việt Nam là đối tác thương mại truyền thống và tiềm năng, là cầu nối để xuất khẩu sản phẩm của Séc sang thị trường ASEAN. Đáng chú ý, trong Chiến lược Xuất khẩu quốc gia 2012 - 2020 của Séc, Việt Nam được xếp vào danh sách 12 thị trường ưu tiên (nước duy nhất trong ASEAN).
Hai bên thường xuyên tiến hành các cuộc họp Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, gần đây nhất là cuộc họp lần thứ 6 tại Hà Nội vào tháng 4.2018 nhằm trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.
Thời gian qua, giao dịch thương mại giữa hai nước tăng liên tục ở mức trên 15%/năm. Kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều năm 2018 đạt 1,2 tỷ USD, cao gấp 2 lần so với năm 2013. Việt Nam đã xuất khẩu sang Séc các mặt hàng như cà phê, hạt tiêu, hoa quả, chè, cao su, hải sản, giày dép, dệt may, thủ công mỹ nghệ....
Trong khi đó, Séc xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng như điện tử, máy móc, hóa chất, các sản phẩm từ sữa, dược phẩm, cơ khí... Là thành viên của EU, Séc có thế mạnh và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực chế tạo máy, khai khoáng, công nghệ chế biến thực phẩm, nông sản, sản xuất bia.
Thời gian tới, Séc và Việt Nam có điều kiện thuận lợi đẩy mạnh hợp tác kinh tế trong bối cảnh EVFTA chuẩn bị được ký kết, phê chuẩn và đi vào thực hiện. Hiệp định sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của EU, trong đó có Séc, đầu tư lâu dài tại Việt Nam cũng như gia tăng xuất khẩu sang thị trường Việt Nam với các mặt hàng máy móc, thiết bị, dược phẩm, hóa chất, phương tiện vận tải... Việt Nam cũng sẽ gia tăng xuất khẩu sang EU các sản phẩm giày, dép, dệt may, nông sản nhiệt đới, thủy sản, đồ gỗ, hàng tiêu dùng công nghiệp.
EVFTA sẽ tạo cơ hội để Việt Nam và Séc nói riêng, cũng như EU nói chung tiếp cận thị trường của nhau một cách hiệu quả, cải thiện thể chế và gia tăng dòng chảy thương mại kể cả trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã và đang nỗ lực cùng phối hợp với EU sớm xử lý vấn đề đánh bắt cá trái phép, không khai báo và không được quản lý (IUU) để tạo điều kiện thuận lợi xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang EU.
Bài báo kết luận, Séc luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống với Việt Nam và coi Việt Nam là đối tác quan trọng và là cửa ngõ để tăng cường hợp tác với ASEAN. Hiện nay nền kinh tế Việt Nam và Séc tiếp tục tăng trưởng ở mức cao và cùng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và khu vực. Điều đó sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho phát triển hợp tác song phương về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới.
Theo Hồng Kỳ - Trần Hiếu (TTXVN/Tin tức)