Hợp tác giữa ngành Công Thương Bình Ðịnh và 4 tỉnh Nam Lào: Tiềm năng và triển vọng
Những năm gần đây, ngành Công Thương của tỉnh Bình Ðịnh và 4 tỉnh Nam Lào: Champasak, Sekong, Attapeu, Salavan phối hợp xây dựng và triển khai khá nhiều chương trình hợp tác. Những hoạt động này vừa thể hiện mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt - Lào, vừa là động lực thúc đẩy công nghiệp, thương mại của mỗi địa phương ngày càng phát triển.
Từ lâu, các chuyên gia kinh tế đã đánh giá cao về tiềm năng kinh tế của các tỉnh Nam Lào (gồm Champasak, Sekong, Attapeu, Salavan) là những vùng đất có nhiều tiềm năng.
Chương trình hợp tác giữa Sở Công Thương Bình Định và Sở Công Thương 4 tỉnh Nam Lào sẽ thúc đẩy hoạt động công nghiệp, thương mại của các địa phương phát triển.
- Trong ảnh: Lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (người đứng bên phải) giới thiệu website kết nối giao thương giữa tỉnh Bình Định với 4 tỉnh Nam Lào. Ảnh: VIẾT HIỀN
Khai thác những tiềm năng
Theo ông Sổm-bách Sẻn-phăn-xoàng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Champasak: Tỉnh Champasak có nhiều sản phẩm cây công nghiệp quan trọng, nhất là cà phê, chè và mây. Đây là một trong những vùng sản xuất cà phê quan trọng nhất của Lào. Bên cạnh đó, với 20 ngôi chùa nổi tiếng, trong đó có chùa Wat Phou được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, Champasak còn là tỉnh có tiềm năng du lịch.
Còn theo ông Kay-son Ken-pa-Sead, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sekong: Tiềm năng lớn nhất của tỉnh là tài nguyên khoáng sản (sắt, đồng, vàng, than đá) và thủy điện. Theo đó, về thủy điện, hiện Sekong có nhà máy thủy điện Sekaman 3 và đang có kế hoạch xây dựng các nhà máy thủy điện như: Sekaman 4, Sekong 3, Sekong 4, Sekong 5… Bên cạnh đó là một số dự án nghiên cứu, thăm dò khai thác, như: Dự án thăm dò bauxit tại Tha Teng; Dự án thăm dò than tại huyện Kaleum…
Riêng đối với tỉnh Bình Định, theo bà Trần Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở Công Thương, so với các tỉnh Nam Lào, Bình Định có nhiều tiềm năng về công nghiệp, thương mại. Hiện trên địa bàn tỉnh có 42 cụm công nghiệp (CCN) đã đầu tư và thu hút các cơ sở sản xuất gần 862 ha; thu hút được 368 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 8.073 tỉ đồng; trong đó có 323 cơ sở sản xuất đã hoạt động. Về thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn tỉnh ước đạt 65.137 tỉ đồng/năm; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 800 triệu USD/năm.
Theo thống kê, đến nay các DN trên địa bàn tỉnh đã đầu tư 11 dự án ở các tỉnh Nam Lào, với tổng vốn trên 48,2 triệu USD, thuộc các lĩnh vực như: Sản xuất dược phẩm và thăm dò khai thác khoáng sản, trồng cây công nghiệp, trồng rừng lấy gỗ, sản xuất phân bón.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng (bìa phải) thăm nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty Cao su hữu nghị Lào - Việt tại tỉnh Sekong (Lào). Ảnh: NGUYỄN HÂN
Hợp tác cùng phát triển
Theo ông Sổm-bách Sẻn-phăn-xoàng, thời gian qua, Champasak đã triển khai nhiều chương trình hợp tác với Bình Định, như: Tổ chức đào tạo tiếng Lào cho cán bộ Bình Định; tổ chức để các đoàn DN Bình Định tham quan, khảo sát thị trường, xúc tiến thương mại; tổ chức các hội chợ thương mại; nhất là sự hợp tác, liên doanh giữa Công ty Dược phẩm CBF và Công ty Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định.
Trên cơ sở những kết quả hợp tác đã đạt được trong những năm qua, theo bà Trần Ánh Tuyết, Sở Công Thương Bình Định và Sở Công Thương 4 tỉnh Nam Lào đã tiến hành ký kết “Biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển công nghiệp, thương mại giai đoạn 2016 - 2021”. Theo đó, Sở Công Thương các tỉnh xác định: Thường xuyên trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực công nghiệp, thương mại; kinh nghiệm lập, tổ chức triển khai thực hiện và quản lý các quy hoạch tổng thể, quy hoạch chuyên ngành; kinh nghiệm thành lập và hoạt động của các hiệp hội ngành nghề; cung cấp thông tin về tiềm năng, cơ hội đầu tư, kinh doanh, cơ chế chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư của mỗi tỉnh cho các DN.
Cụ thể, Sở Công Thương 4 tỉnh Nam Lào sẽ tạo điều kiện và hỗ trợ cho các DN Bình Định nghiên cứu, đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, cửa hàng kinh doanh các mặt hàng tôn, thép, kẽm, ống nhựa...; tạo điều kiện cho DN Bình Định xuất khẩu xăng dầu từ Việt Nam sang thị trường Lào. Ngược lại, Sở Công Thương Bình Định sẽ tạo điều kiện cho DN 4 tỉnh bạn xuất khẩu nông sản (cà phê, gạo và rau quả…) từ Lào sang thị trường Việt Nam.
Đáng lưu ý, theo bà Trần Ánh Tuyết, nhằm triển khai có hiệu quả các nội dung đã ký kết, Sở Công Thương tỉnh phối hợp với Sở Công Thương 4 tỉnh bạn triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng website thương mại điện tử kết nối giao thương giữa Bình Định với các tỉnh Nam Lào”. Đề án được Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) hỗ trợ, xây dựng. Theo đó, website này được thiết kế với 3 ngôn ngữ: Việt - Lào - Anh. Đối tượng chính của website gồm: Doanh nghiệp - Người tiêu dùng - Nhà quản lý. Website giới thiệu đầy đủ các ngành nghề, mặt hàng, như: Thủ công mỹ nghệ; đồ điện tử - điện máy; đồ gỗ nội, ngoại thất; hàng gia dụng; máy móc - thiết bị và công cụ; thiết bị giải trí - viễn thông; địa chỉ các làng nghề truyền thống…Cũng theo ông Sổm-bách Sẻn-phăn-xoàng, website thương mại điện tử nói trên là bước đột phá về quan hệ hợp tác phát triển công nghiệp, thương mại giữa Bình Định và các tỉnh Nam Lào, trong đó có Champasak. Đây sẽ là “kênh” kết nối giao thương quan trọng và hữu ích.
Chương trình hợp tác giữa Sở Công Thương Bình Định và Sở Công Thương 4 tỉnh Nam Lào đang được triển khai tích cực và bước đầu đã mang lại những “tín hiệu khả quan”. Hy vọng rằng, những hoạt động trên không chỉ thể hiện mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt - Lào, mà còn là động lực thúc đẩy công nghiệp, thương mại của mỗi địa phương ngày càng phát triển.
VIẾT HIỀN