Thanh toán không dùng tiền mặt: Lớn nhanh như thổi
Gần đây, việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Ðó là việc gia tăng số lượng các đơn vị áp dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt và sự xuất hiện của nhiều đối tác trung gian trong lĩnh vực thanh toán điện tử.
Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) có xu hướng tăng, phủ sóng ở TP Quy Nhơn. Từ nhà hàng, cửa hàng kinh doanh cho tới hệ thống khách sạn, các trung tâm mua sắm, bệnh viện… đã chấp nhận thanh toán thẻ, thanh toán bằng ví điện tử, bằng QR/code thay cho tiền mặt. Và điểm đáng chú ý xu hướng này xuất hiện và được đón nhận trước tiên không phải vì quy định bắt buộc mà vì các bên liên quan cùng tìm thấy lợi ích của mình ở đó.
Tại BVĐK tỉnh - khu vực mở rộng, việc lắp đặt các máy POS tạo thuận lợi cho người dân trong việc thanh toán viện phí.
Tiện và lợi
Nằm điều trị tại BVĐK tỉnh (phần mở rộng), chị Phạm Thúy Hiền (ở TX An Nhơn) thanh toán viện phí ngay trên tầng 6 (Khoa Nội tổng hợp) qua máy POS. Theo chị Hiền, thay vì mang theo nhiều tiền mặt vào viện, vừa lo chăm sóc người bệnh, vừa lo giữ tài sản, thì nay có thể thanh toán viện phí qua máy quét thẻ POS, tiện vô cùng. Thông tin từ BVĐK tỉnh (phần mở rộng), bệnh viện đã trang bị nhiều máy quét thẻ POS để phục vụ cho bệnh nhân, người nhà trong việc thanh toán viện phí.
UBND tỉnh đã tăng cường công tác chỉ đạo, yêu cầu NHNH, các đơn vị phối hợp triển khai các giải pháp thanh toán điện tử trong dịch vụ công. Theo đó, UBND tỉnh Bình Ðịnh ban hành Quyết định số 852/QÐ-UBND (18.3.2019) với nội dung đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Ðịnh theo Quyết định số 241/QÐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện ngay trong năm 2019.
Trong khi đó, với chị Nguyễn Thị Ngọc Nga (đường Hoàng Văn Thụ, TP Quy Nhơn), việc thanh toán toàn bộ hóa đơn nước, điện, internet đều được chị thực hiện hệ mobile banking của Vietcombank. Chị Nga cho hay, trước đây, cứ ngày 15 hàng tháng, chị nhận thông báo hóa đơn tiền điện rồi mất thêm một khoảng thời gian để ra ngân hàng, các điểm thu hộ đóng tiền. Giờ dùng mobile banking là giải quyết hết các hóa đơn; chỉ cần ở nhà nhập mã khách hàng, nhấn nút đồng ý, thanh toán là xong. Cũng thanh toán tiền điện nước hàng tháng nhưng Đoàn Thúy Kiều (đường Nguyễn Thái Học, TP Quy Nhơn) lại ủy nhiệm luôn cho ngân hàng trừ tiền từ tài khoản ATM. “Mình chỉ thao tác có một lần tại ngân hàng thôi. Rồi hàng tháng bên bán điện, nước gởi tin nhắn báo lượng điện, nước mình đã dùng, số tiền phải thanh toán. Sau đó một hai hôm, bên ngân hàng gửi tin nhắn trừ tiền cũng qua tin nhắn”. Hầu như ngân hàng nào hiện cũng cung cấp dịch vụ như chị Kiều đang dùng.
Không chỉ khuyến khích TTKDTM qua ATM, nhiều đơn vị còn áp dụng các giải pháp thanh toán mới, hiện đại như ví điện tử, QR/code… Các đơn vị đi tiên phong như: Công ty CP Điện lực Bình Định (PC Bình Định), VNPT Bình Định, Viettel Bình Định, Công ty CP cấp thoát nước Bình Đinh, Hệ thống bán lẻ SaiGon Co.op.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Thu, chuyên viên Phòng Kinh doanh - PC Bình Định, với việc áp dụng nhiều phương thức thanh toán hiện đại, lượng hóa đơn giao dịch không sử dụng tiền mặt của PC Bình Định chiếm 26% tổng hóa đơn tiền điện (trong đó có khoảng 13% thanh toán qua ví điện tử, QR/code). Việc TTKDTM vừa tiện cho khách hàng có thể thanh toán mọi lúc, mọi nơi; lợi cho nhà cung cấp dịch vụ là tiết kiệm nhân lực, thời gian, hạ tầng cơ sở vật chất.
Đẩy mạnh trong dịch vụ công
Thống kê từ phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bình Định (NHNN Bình Định), tính đến nay các Ngân hàng thương mại đã lắp đặt 211 máy ATM, 946 máy POS phục vụ khách hàng. Hoạt động TTKDTM đang được khuyến khích từ các cơ quan, sở ngành, các đơn vị sự nghiệp, đơn vị kinh doanh trong toàn tỉnh; đặc biệt việc khuyến khích thực hiện TTKDTM trong dịch vụ công bằng việc các hình thức thanh toán mới như thanh toán điện tử.
Theo ông Nguyễn Trà Dương - Phó Giám đốc NHNN Bình Định, thực hiện chỉ đạo từ NHNN về việc đẩy mạnh thanh toán điện tử trong dịch vụ công, NHNN Bình Định sẽ có kế hoạch làm việc với các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các sở, ngành nhằm triển khai việc thanh toán điện tử trong lĩnh vực dịch vụ công. Hiện nay, nhiều cơ quan hoạt động trong ngành tài chính như Kho bạc, Cục thuế, Hải quan… đã phối hợp với hệ thống các ngân hàng để kết nối dữ liệu, mở tài khoản phục vụ việc thu ngân sách bằng các phương thức điện tử.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Trọng Tiến, Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, cho biết đến nay Kho bạc đã mở tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu của Kho bạc tại các ngân hàng; đơn vị vừa tổ chức tập huấn triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 cho gần 220 đơn vị trong toàn tỉnh; trong năm 2019 sẽ triển khai thêm 4 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, nâng tổng số lên thành 7, nhằm phục vụ tốt hơn.
THU DỊU