Huyện Vĩnh Thạnh: Cần tăng cường quản lý khai thác khoáng sản
Khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là đất ruộng, đất đồi có chiều hướng gia tăng tại một số xã, thị trấn ở huyện Vĩnh Thạnh. Thế nhưng, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này ở cấp cơ sở còn lỏng lẻo, để cho các đối tượng vi phạm, trục lợi bất chính.
Khai thác đất trái phép tại cánh đồng Rộc Cây Trâm, xã Vĩnh Quang.
“Điểm nóng” Vĩnh Quang
Vĩnh Quang là xã thường để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Đặc biệt, gần đây nạn khai thác đất ruộng bất hợp pháp diễn ra không ít tại cánh đồng có tục danh Rộc Cây Trâm (xóm 1, thôn Định Thái), song chính quyền sở tại xử lý thiếu quyết liệt.
Năm 2018, huyện Vĩnh Thạnh còn lập biên bản xử phạt hành chính 4 trường hợp khai thác khoáng sản trái phép khác tại xã Vĩnh Quang (3 vụ khai thác đất) và xã Vĩnh Sơn (1 vụ khai thác đá) với số tiền xử phạt 9 triệu đồng.
Đầu tháng 4.2019, PV Báo Bình Định đã tiếp cận hiện trường và ghi nhận có khá nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở đây được “hạ cốt” để lấy đất sét dưới vỏ bọc “cải tạo đất”.Việc khai thác chủ yếu được chủ ruộng tự thỏa thuận với các cá nhân, DN sản xuất gạch trong và ngoài địa phương. Như sáng 9.4, một DN đưa cả máy đào, xe ben vào khai thác đất và vận chuyển về cụm công nghiệp (CCN) Tà Súc (huyện Vĩnh Thạnh).
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Phương Bắc, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quang, cho rằng: “Vị trí mà báo chí phản ánh đã được xã kiểm tra, xử lý. Sau khi xác lập hồ sơ thì việc khai thác này vượt thẩm quyền của xã; do đó, địa phương chuyển hồ sơ cho UBND huyện xử lý. Sau đó, huyện ban hành quyết định xử phạt, yêu cầu khắc phục hậu quả. DN đưa cơ giới vào đây là để khắc phục hậu quả, chứ không có chuyện để khai thác đất (!?)”.
DN mà ông Bắc đề cập, đó là Công ty CP gạch Tuy nen Hiệp Thành (đóng tại CCN Tà Súc, thôn Định Thái, xã Vĩnh Quang). Công ty này đã bị UBND huyện Vĩnh Thạnh xử phạt 20 triệu đồng về hành vi khai thác đất trái phép tại thửa đất 113a, tờ bản đồ số 8, xã Vĩnh Quang; đồng thời buộc DN nộp lại khoản tiền tương đương giá trị 16 m3 đã khai thác (hơn 1,9 triệu đồng). Ngoài phạt tiền, huyện Vĩnh Thạnh buộc DN phải thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường khu vực khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, thay vì phục hồi, khắc phục hậu quả, DN này lợi dụng tiếp tục đưa máy đào, xe ben vào khai thác. Đất sau khi khai thác được vận chuyển về nhà máy sản xuất gạch tại CCN Tà Súc. Thế nhưng, ông Nguyễn Phương Bắc, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quang và chính quyền cấp cơ sở không hề hay biết, thậm chí cho rằng DN chỉ khắc phục hậu quả. Trước đó, Công ty CP gạch Tuy nen Hiệp Thành cũng bị xã Vĩnh Quang lập biên bản, xử phạt 4 triệu đồng về hành vi tương tự”.
Không chỉ vậy, hoạt động khai thác đất đồi trái phép còn diễn ra trong CCN Tà Súc (giai đoạn 2, thôn Định Thái). Song, địa phương vào cuộc ngăn chặn, xử lý khá chậm trễ. Hệ quả, đã có hàng trăm khối đất bị khai thác, vận chuyển đi nơi khác. Vấn đề này, ông Bùi Tấn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, xác nhận: “Công ty TNHH Huy Hoàng Thiện có đưa xe khai thác đất tại đây, song DN chỉ tận dụng để đổ đất làm mặt bằng công trình Sân bóng đá ở xã Vĩnh Quang. Tuy nhiên, nhận thấy việc khai thác này chưa đúng với quy định của pháp luật, do đó huyện đã yêu cầu DN chấm dứt việc khai thác”.
Huyện sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm
Trao đổi về công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, ông Bùi Tấn Thành cho biết: “Huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn và phòng, ban chức năng tăng cường việc quản lý, kiểm tra đột xuất tại các “điểm nóng” thường tái diễn việc khai thác đất, cát trái phép. Tuy vậy, hiện tượng khai thác đất, cát một số nơi còn xảy ra, đặc biệt tại xã Vĩnh Quang”.
Để lập lại trật tự trong lĩnh vực quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, ông Nguyễn Hữu Xuân, Trưởng phòng Phòng TN&MT huyện Vĩnh Thạnh, cho hay huyện đã thành lập Tổ kiểm tra, rà soát các điểm tập kết, nơi thường xảy ra khai thác đất, cát trái phép để đưa vào quản lý. Đồng thời, yêu cầu Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng NN&PTNT trong quá trình thẩm định thiết kế, dự toán công trình thuộc lĩnh vực quản lý phải kiểm soát chặt chẽ, không cho phép sử dụng cát xây dựng để phục vụ san lấp công trình. Phòng TN&MT huyện có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương đẩy mạnh việc kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
“Đối với quỹ đất nằm trong CCN Tà Súc (giai đoạn 2), huyện đã có tờ trình xin chủ trương của UBND tỉnh cho phép khai thác tận thu đất san lấp để thi công các công trình ở địa bàn huyện, giảm chi phí đầu tư xây dựng công trình sử dụng ngân sách nhà nước, tạo mặt bằng thu hút DN vào đầu tư tại CCN; đồng thời, ngăn ngừa tình trạng các cá nhân, DN lén lút khai thác đất sai mục đích. Việc này, tỉnh đã có văn bản đồng ý, giao Sở TN&MT hướng dẫn huyện thực hiện”, ông Thành cho hay.
TRỌNG LỢI