Hệ thống định vị Bắc Ðẩu và thị trường 298 tỉ USD
Bắc Đẩu, hệ thống định vị vệ tinh của Trung Quốc được cho ra đời nhằm giảm sự phụ thuộc vào Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) của Mỹ. Theo South China Morning Post, ước tính mới nhất về Bắc Đẩu dự báo hệ thống này tạo ra thị trường dịch vụ giá trị tương đương 298 tỉ USD vào năm 2020.
Tại hội nghị diễn ra ở Thâm Quyến (Trung Quốc) hôm 14.4, Zhang Quande, Tổng thư ký Hiệp hội các ứng dụng hệ thống định vị toàn cầu và dịch vụ dựa trên địa điểm, cho hay: “Bắc Đẩu sẽ có nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực như logistics, canh tác chính xác, giám sát biển, an ninh đô thị toàn diện và thành phố thông minh. Nó sẽ bước vào giai đoạn phát triển nhanh chóng trong ba năm tới”.
Thực tế, GPS chính xác hơn, chính xác đến phạm vi xăng-ti-mét thay vì mét của hệ thống Bắc Đẩu “made in China”. Song vì lo ngại khả năng đóng cửa dịch vụ của Washington một khi có xung đột xảy ra, Trung Quốc, Nga và nhiều nước khác nỗ lực phát triển hệ thống riêng. Bắc Đẩu là một trong bốn hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu, cùng với GPS của Mỹ, Glonass của Nga và Galileo của châu Âu.
Trong tháng 12.2018, Trung Quốc tuyên bố triển khai dịch vụ Bắc Đẩu trên toàn cầu, trước thời hạn vạch ra là vào năm 2020. Nước này phóng 19 vệ tinh định vị vào năm 2018 và các vệ tinh này có khả năng cung cấp độ phủ sóng cơ bản. 12 vệ tinh định vị khác được lên kế hoạch phóng vào năm 2020 để cải thiện độ chính xác của hệ thống. Hiện Bắc Đẩu có độ chính xác đến 5 m trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và 10 m ở các nơi khác trên thế giới.
(Theo BizLIVE)