Qua 3 năm thực hiện Nghị định 41/2010/NĐ-CP:
Góp phần tích cực phát triển nông nghiệp, nông thôn
Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị định (NĐ) 41/2010/NĐ-CP ngày 12.4.2010 của Chính phủ về “Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (NN-NT)”, có gần 419 ngàn lượt khách hàng ở khu vực nông thôn tỉnh ta đã được vay gần 22.000 tỉ đồng. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình đã có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh (SXKD), vươn lên làm giàu, góp phần giảm mạnh tỉ lệ hộ nghèo...
Quỹ TDND Phước Sơn là một trong những TCTD nỗ lực triển khai NĐ 41, tạo điều kiện phát triển NN-NT.
- Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Quỹ TDND Phước Sơn.
Hiệu quả thiết thực
Về thôn Mỹ Trung (xã Phước Sơn - huyện Tuy Phước), hỏi thăm “tỉ phú nông dân” Trần Quốc Quân, người dân ở đây hầu như ai cũng biết. Anh hiện có trong tay 3 chiếc máy gặt đập liên hợp (trị giá khoảng trên 600 triệu đồng/chiếc); một đàn heo nái, heo thịt gần 40 con; trên 2 ha đất nuôi vịt và thả cá; cùng đội ngũ kỹ thuật viên, nhân công gần 20 người… Theo ông Phan Thành Trung, Giám đốc Quỹ Tín dụng nhân dân (TDND) Phước Sơn, để có được cơ nghiệp như bây giờ, Trần Quốc Quân (38 tuổi) đã trải qua nhiều khó khăn, vất vả. Trong hành trình đầu tư của anh Quân có phần hỗ trợ của nguồn vốn từ Quỹ TDND.
Cũng theo ông Phan Thành Trung, không riêng Trần Quốc Quân, những năm qua, nhờ NĐ 41, hàng trăm hộ gia đình ở Phước Sơn đã có điều kiện SXKD, thoát nghèo và từng bước vươn lên làm giàu. Quỹ TDND Phước Sơn hiện có trên 60 thành viên vay vốn mua sắm máy móc, phương tiện cơ giới hóa nông nghiệp, như máy gặt đập liên hợp; cùng hàng trăm thành viên vay vốn phát triển ngành nghề truyền thống, kinh doanh dịch vụ… Tổng dư nợ của Quỹ hiện trên 24 tỉ đồng.
“Nghị định 41 còn góp phần giải quyết được nhiều việc làm ở địa phương, tăng thu nhập cho hộ gia đình, góp phần giảm các tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… Đặc biệt, nhờ đó, 3 năm qua, trên địa bàn tỉnh có 15.659 hộ thoát nghèo, tỉ lệ hộ nghèo giảm trên 25%...”
Ông PHAN PHÚ HẢI - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh
Quỹ TDND Phước Sơn chỉ là một “ví dụ điển hình” về hiệu quả thực hiện NĐ 41 trên địa bàn tỉnh. Theo ông Phan Phú Hải, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh, thời gian qua, NĐ 41 đã được các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh triển khai có hiệu quả. Hơn 3 năm qua, tỉ lệ dư nợ cho vay NN-NT so với tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh tăng trưởng khá; đến nay có gần 419 ngàn lượt khách hàng vay vốn theo NĐ 41 với tổng doanh số cho vay 21.646 tỉ đồng. Đến cuối tháng 8.2013, toàn tỉnh có 166.470 lượt khách hàng còn dư nợ với tổng số tiền 6.728 tỉ đồng. Trong số này, cho vay sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp chiếm trên 57%; cho vay sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ phi nông nghiệp chiếm 26,6%…
Cũng theo ông Phan Phú Hải, NĐ 41 không chỉ “khơi thông” dòng chảy tín dụng về nông thôn, mà còn giúp dư nợ tín dụng ở khu vực này tăng gần 1,64 lần, cơ cấu nợ cũng được cải thiện theo hướng tăng dần tỉ trọng đầu tư vốn trung và dài hạn (chiếm 54%); chất lượng tín dụng nông nghiệp được bảo đảm, nợ xấu ở mức thấp. NĐ 41 còn góp phần giải quyết được nhiều việc làm ở địa phương, tăng thu nhập cho hộ gia đình, góp phần giảm các tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… Đặc biệt, nhờ đó, 3 năm qua, trên địa bàn tỉnh có 15.659 hộ thoát nghèo, tỉ lệ hộ nghèo giảm trên 25%...
Một số kiến nghị
Kết quả triển khai thực hiện NĐ 41 trên địa bàn tỉnh thời gian qua rất đáng ghi nhận; song vẫn còn một số hạn chế, khó khăn. Ông Phan Đình Trung - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT Bình Định, đơn vị “chủ lực” trong việc triển khai NĐ 41 - cho biết: “NĐ 41 quy định đối tượng được vay vốn phải cư trú và có cơ sở hoặc dự án SXKD trên địa bàn nông thôn, nên một bộ phận lớn hộ sản xuất nông nghiệp ở các thị trấn, phường thuộc thị xã, thành phố không được vay vốn. Bên cạnh đó, hầu hết dư nợ cho vay theo NĐ 41 là vay không có bảo đảm bằng tài sản. Song, thực tế là tình hình thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra hàng năm, ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động SXKD của khách hàng vay vốn, dẫn đến việc trả nợ ngân hàng không đúng hạn theo cam kết; trong khi NĐ 41 và Thông tư 14 chưa quy định cụ thể mức độ rủi ro và cơ chế xử lý rủi ro. Mặt khác, nguồn vốn cho vay NN-NT chủ yếu huy động từ dân cư với lãi suất cạnh tranh, nhưng khi cho vay thì theo lãi suất do NHNN quy định (thường thấp hơn các đối tượng khác) và còn chưa tính đến yếu tố rủi ro lớn, chi phí quản lý cho vay cao hơn. Khi phát sinh nợ xấu do cho vay không có bảo đảm bằng tài sản thì ngân hàng đành phải trích 100% theo dư nợ để lập “Quỹ dự phòng rủi ro”, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của ngân hàng…”.
Ông Phan Phú Hải cho biết thêm: “Một khó khăn khác là việc chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất nên nhiều hộ gia đình thiếu điều kiện bảo đảm để được vay vốn. Ngoài ra, theo quy định của NĐ 41, năng lực quản lý, điều hành của một số HTX còn hạn chế, chưa thực sự tạo được uy tín đối với TCTD nên khả năng tiếp cận vốn ngân hàng gặp khó khăn”.
Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các TCTD, chính quyền địa phương và các sở, ngành, đoàn thể tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện NĐ 41 ở tỉnh ta vừa được tổ chức, lãnh đạo Chi nhánh NHNN tỉnh thống nhất kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương: Tăng thời hạn vay ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/NQ-CP và Thông tư 06/2009/TT-NHNN từ 5 triệu đồng thời hạn 2 năm lên 10 triệu đồng thời hạn 5 năm. Nâng mức cho vay Chương trình Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đối với công trình nhà vệ sinh phù hợp với giá cả hiện nay. Đề nghị Chính phủ có nguồn vốn ưu đãi về lãi suất dành cho các ngân hàng thương mại để cho vay phát triển NN-NT, đồng thời có chính sách thỏa đáng nhằm khuyến khích, hỗ trợ công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và chính sách đối với cán bộ để đưa cán bộ khoa học đến vùng nông thôn; có chính sách bao tiêu sản phẩm…
Đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung một số nội dung NĐ 41, như: Bổ sung, mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng NN-NT là hộ sản xuất nông nghiệp cư trú tại địa bàn thị trấn, phường thuộc thị xã, thành phố, tạo thuận lợi cho đối tượng này vay vốn phát triển SXKD; bổ sung chính sách hỗ trợ đối với rủi ro khách quan, bất khả kháng trong phạm vi hẹp để giảm bớt khó khăn cho hộ dân và doanh nghiệp ở nông thôn khi gặp rủi ro, tạo điều kiện cho các ngân hàng mạnh dạn mở rộng cho vay đối với lĩnh vực NN-NT.
VIẾT HIỀN