Khá lên nhờ trồng nấm
Lập nghiệp với một nghề không mới - làm nấm, nhưng anh Nguyễn Thiện Kiên, 26 tuổi (ở thôn Tường An, xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ) đã xây dựng thành công mô hình trồng nấm sạch, được nhiều người tin mua, mang lại nguồn thu nhập khá.
Tốt nghiệp đại học ngành công nghệ thực phẩm tại ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh năm 2014, Kiên có thời gian làm việc tại Sài Gòn. Một năm sau, do hoàn cảnh gia đình neo đơn, anh quyết định về quê lập nghiệp. Nhận thấy nguyên liệu làm nấm ở địa phương khá dồi dào, Kiên thử sức với nghề trồng nấm. Quyết định xong, Kiên khăn gói vào Nha Trang, TP Hồ Chí Minh làm thuê tại các trại nấm lớn để có điều kiện học nghề. Sau 6 tháng chăm chỉ làm việc, chịu khó học tập, khi nắm vững quy trình làm nấm, Kiên về quê mở trại nấm.
Anh Nguyễn Thiện Kiên trong nhà nấm của mình.
Để mở trại cần có một số vốn khá lớn. Nhưng “của nả” tích lũy được đã rót gần hết vào việc học nghề nên Kiên xin đi phụ hồ để “lấy ngắn nuôi dài”. Đến đầu năm 2017, khi để dành được 18 triệu đồng, cũng là lúc những mẻ nấm làm thử đã cho kết quả ổn định, Kiên bắt tay vào thực hiện ý tưởng của mình.
Trại nấm đầu tiên của Kiên khá nhỏ - chỉ 60 m2 - làm từ cây bạch đàn, lợp mái tôn. Do đã thử nghiệm nhiều lần trước đó, nên ngay mẻ nấm đầu tiên anh đã thu được kết quả tốt. Cũng rất nhanh sau đó, Kiên nhận thấy, nấm bào ngư xám được nhiều người ưa chuộng, lại dễ trồng, có khả năng đem lại giá trị kinh tế cao, nên chuyển từ nấm rơm sang trồng nấm bào ngư xám.
Từ đầu năm 2018, trại nấm của Kiên đã đi vào sản xuất ổn định. Từ 1 nhà nấm ban đầu, đến nay, anh đã xây dựng được 4 nhà nấm với hơn 15.000 bịch phôi nấm bào ngư xám. Mỗi ngày, bình quân anh thu hoạch 60 kg nấm. Vào các ngày rằm, mùng Một hàng tháng, số nấm thu hoạch gấp 4 - 5 lần ngày thường. Trừ các chi phí, cứ mỗi đợt nấm (3 tháng/đợt) Kiên thu về gần 250 triệu đồng. Ngoài nấm bào ngư xám, nấm rơm, anh còn mày mò, học hỏi sản xuất thêm nấm mèo, đặc biệt là làm nấm linh chi bon-sai bán vào dịp Tết.
Anh Kiên tâm sự: “Niềm vui lớn nhất với tôi không chỉ là tự mình làm ra tiền giúp gia đình mà còn ở chỗ, mình có thể lập nghiệp ngay tại quê nhà; có thể làm ra thực phẩm sạch, giàu dinh dưỡng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và được người dân chấp nhận!”.
Kiên cũng cho biết, hiện anh đang bán phôi giống và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và bao tiêu sản phẩm cho thanh niên địa phương nếu họ muốn làm nấm. Chia sẻ về kế hoạch sắp tới, Kiên cho hay: “Mình sẽ mở thêm 1 - 2 nhà nấm nữa, đồng thời tiếp tục phát triển dòng nấm linh chi bon-sai, hiện đang rất được người dân ưa chuộng vào dịp Tết Nguyên đán”.
THANH TRỌN