Thực hiện chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Cần dài hạn và đảm bảo nguồn lực
Ðoàn công tác Ủy ban Dân tộc vừa có chuyến làm việc với Ban Dân tộc tỉnh về việc triển khai các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh. Tại buổi làm việc, nhiều chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh được đưa ra trao đổi để giúp xây dựng, hoàn thiện hơn trong thời gian tới.
Bình Định có nhiều chính sách riêng
Theo ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Bình Định là một trong những tỉnh thực hiện khá tốt chính sách dân tộc. Đến nay, ngoài các chính sách của Trung ương, Bình Định đã triển khai các chính sách riêng của tỉnh nhằm tạo điều kiện phát triển cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các chính sách khá toàn diện về đầu tư cho cơ sở hạ tầng, giáo dục, thu hút nhân lực, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa.
Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm việc với Ban Dân tộc tỉnh.
Để tạo diện mạo mới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển sản xuất, hàng năm, tỉnh đã hỗ trợ 167 tấn xi măng/km đường giao thông nông thôn loại B; hỗ trợ xi măng và hỗ trợ tiền mặt bằng 30% giá trị xây lắp kiên cố hóa kênh mương. Tỉnh cũng ban hành chính sách cấp máy nổ, dầu chạy máy và hỗ trợ cho người vận hành máy nổ ở những nơi không có điện lưới. Hàng năm, ngân sách tỉnh hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để trợ cấp ưu đãi, trợ cấp xã hội đối với người học nghề là người dân tộc thiểu số.
Công tác thu hút nhân lực phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng cao, vùng sâu, vùng xa cũng được thể hiện qua chế độ đãi ngộ đối với bác sĩ công tác tại trạm y tế các xã Canh Liên (huyện Vân Canh), Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh), An Dũng, An Toàn (huyện An Lão) với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng. Các bác sĩ đang công tác tại các trạm y tế địa bàn miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa khác được hưởng mức hỗ trợ 600 ngàn đồng/người/tháng. Tỉnh cũng đang triển khai các chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút và giữ chân bác sĩ, dược sĩ đại học, sau đại học.
Bình Định là một trong những địa phương làm tốt chính sách dân tộc.
- Trong ảnh: Hoạt động kết nghĩa giữa Báo Bình Định, Công ty CP Thủy sản Hoài Nhơn với làng 7, xã An Vinh, huyện An Lão.
Bình Định thực hiện trợ cấp đối với già làng đồng bào dân tộc thiểu số bằng 0,5 lần mức lương tối thiểu chung. Năm 2018, Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương mua 119 bộ cồng chiêng cấp cho 119 làng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, đã thực hiện bàn giao cồng chiêng cho các làng tại 5 huyện: Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Ân. Trong quý II/2019, sẽ hoàn tất bàn giao bộ cồng chiêng cho các làng thuộc huyện An Lão.
Theo chủ trương, phân công của UBND tỉnh, hiện nay, 236 cơ quan, đơn vị, DN đang triển khai kết nghĩa với 119 thôn, làng vùng dân tộc thiểu số. Đây là cơ sở để các đơn vị đồng hành, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết, đồng thời tương trợ, thúc đẩy phát triển, xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách dân tộc
Tại buổi làm việc với Ban Dân tộc tỉnh, ông Đỗ Văn Chiến cũng đặt ra một vấn đề cần trao đổi để giúp xây dựng, hoàn thiện các chính sách dân tộc thời gian tới. Về chế độ cử tuyển, ông Chiến cho rằng không phù hợp bởi năng lực học tập của học sinh miền núi thấp nên rất vất vả trong học tập. Ông đề xuất bỏ chế độ cử tuyển và muốn nghe ý kiến của địa phương về vấn đề này.
Ông Trần Quốc Lại, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, đồng ý với đề xuất của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Ông cũng đồng ý đề xuất việc mở một khóa dự bị Đại học cho học sinh miền núi và chỉ những em vượt qua kỳ thi thì mới bước vào học đại học. Việc thi tuyển này cần đảm bảo tính công bằng, nghiêm túc.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, từ năm 2016 - 2018, Bình Định có 77 sinh viên thuộc diện cử tuyển tốt nghiệp. 47 em đã được phân công công tác, nhưng 30 em vẫn chưa có việc làm.
Ông Chiến cũng cho biết: sẽ bỏ chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức làm việc tại các xã đặc biệt khó khăn vì hiện nay, cơ sở hạ tầng, điều kiện vật chất ở các xã miền núi đã nâng lên; cán bộ địa phương không quá vất vả trong di chuyển, ăn ở tại đây như thế hệ trước. Nếu vẫn giữ chế độ đãi ngộ lớn như trước thì vô hình tạo hiện tượng “chạy vào”. Tuy nhiên, đối với một số địa bàn đặc thù, còn cách trở về đường sá, cơ sở vật chất, chế độ hỗ trợ cho cán bộ sẽ do UBND tỉnh quyết định.
Dịp này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cũng kiến nghị Ủy ban Dân tộc tiếp tục hỗ trợ cơ sở hạ tầng, nhất là về mặt giao thông để đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện phát triển kinh tế. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ đối với các trường còn thiếu đồ dùng học tập, ban hành chính sách hỗ trợ trẻ mầm non là người dân tộc thiểu số.
Ban Dân tộc tỉnh cũng kiến nghị việc xây dựng các chính sách dân tộc cần phải dài hạn, gắn liền với việc cân đối, bố trí nguồn lực để đảm bảo thực hiện hoàn thành mục tiêu của chính sách.
NGUYỄN MUỘI