Hàng chục quốc gia dự triển lãm mỗi xã một sản phẩm tại Việt Nam
Các đơn vị tổ chức theo đuổi mục tiêu xây dựng Hội chợ Quốc tế Hàng thủ công mỹ nghệ và quà tặng Việt Nam, Triển lãm OCOP Việt Nam trở thành Hội chợ ấn tượng nhất ở Đông Nam Á nhằm tạo nên một bước đột phá để phát triển xuất khẩu.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng các đại biểu cắt băng khai mạc Hội chợ. Ảnh: VGP/Thành Chung
Sáng 17.4, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm quốc tế Sài Gòn, Bộ NN&PTNT và Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã tổ chức Triển lãm quốc tế mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và Hội chợ quốc tế hàng thủ công mỹ nghệ và quà tặng (Lifestyle) 2019.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp sản xuất, thương mại ở trong nước và các đơn vị OCOP đến từ 15 quốc gia trên thế giới tham dự.
Hội chợ Lifestyle Vietnam và Triển lãm OCOP quốc tế năm nay quy tụ trên 700 gian hàng của các doanh nghiệp đến trên 40 tỉnh, thành phố của cả nước. Đặc biệt, ngoài các doanh nghiệp của Việt Nam, Ban tổ chức còn được vinh dự chào đón sự tham gia của doanh nghiệp đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Nhật Bản, Hà Lan, Ấn Độ, Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Kenya, Senegal, Afghanistan, Madagascar, Botswana, Australia, Nepal và Nga.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm gian hàng của làng nghề dệt tơ tằm, tơ sen huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội. Ảnh: VGP/Thành Chung
Theo Ban Tổ chức, đã có 1.600 khách hàng quốc tế ở gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tìm hiểu và nhập khẩu các sản phảm OCOP, thủ công mỹ nghệ của Việt Nam.
Triển lãm OCOP và Hội chợ LifeStyle là một phần của Diễn đàn quốc tế kết nối mạng lưới toàn cầu OCOP được tổ chức cùng ngày hôm nay tại TPHCM theo sáng kiến của Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Phó Thủ tướng thăm khu trưng bày sản phẩm OCOP của Senegal. Ảnh: VGP/Thành Chung
Khởi đầu từ Nhật Bản cách đây 40 năm, Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã trở thành một phong trào lan rộng ở nhiều quốc gia châu Á, châu Phi và cả châu Âu với nhiều tên gọi khác nhau ở mỗi nước (OCOP, OVOP, OTOP…).
Tại Việt Nam, OCOP được tiếp nhận và triển khai từ năm 2006 với việc các địa phương thực hiện Đề án Mỗi làng một nghề và bắt đầu triển khai mạnh mẽ từ năm 2013 trở lại đây, góp phần cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thay đổi tư duy sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân ở nông thôn.
Tới nay, toàn bộ các tỉnh, thành phố của Việt Nam đều có các sản phẩm OCOP theo các tiêu chuẩn được quy định tại Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 7.5.2018.
Việt Nam là quốc gia tham gia OCOP muộn nhất nhưng là quốc gia có sáng kiến để kết nối mạng lưới toàn cầu của lĩnh vực này khi nhận thấy những giá trị của OCOP, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang lại.
Năm 2018, doanh thu xuất khẩu của riêng ngành thủ công mỹ nghệ đạt trên 2 tỷ USD đem lại thu nhập và việc làm cho gần 1,5 triệu lao động ở vùng nông thôn. Với OCOP, các sản phẩm của làng quê sẽ đa dạng, phong phú hơn ở lĩnh vực thực phẩm, được đầu tư, kiểm soát về quy trình, chất lượng và mẫu mã sẽ mở ra thêm cơ hội tiêu thụ ở trong và ngoài nước cho các sản phẩm này.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm khu trưng bày OCOP của Lào. Ảnh: VGP/Thành Chung
Với ý nghĩa này, Bộ NN&PTNT cùng Hiệp hội xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ Việt Nam cam kết theo đuổi mục tiêu xây dựng Hội chợ Quốc tế Hàng thủ công mỹ nghệ và quà tặng Việt Nam, Triển lãm OCOP Việt Nam trở thành Hội chợ ấn tượng nhất ở Đông Nam Á nhằm tạo nên một bước đột phá để phát triển xuất khẩu.
Theo Thành Chung (Chinhphu.vn)