Phát triển văn hóa đọc: Không chỉ dựa vào Ngày Sách Việt Nam
Việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng không nên chỉ dựa vào các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam diễn ra vào tháng Tư hàng năm.
“Để phát triển phong trào đọc sách, trước hết, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của sách và thói quen đọc sách. Việc này cần triển khai đồng bộ, liên tục, không nên chỉ đợi đến tháng Tư hàng năm, dồn vào những hoạt động hướng đến chào mừng Ngày Sách Việt Nam,” ông Nguyễn Hữu Giới - Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam bày tỏ quan điểm tại Hội thảo Xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng.
Sự kiện do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng 17.4 tại Hà Nội.
Để việc xây dựng, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng đạt hiệu quả cao, trước hết cần tập trung vào nhóm đối tượng học sinh, sinh viên. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Chưa được quan tâm đúng mức
Đại diện Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, ở Việt Nam, văn hóa đọc chưa được quan tâm phát triển đúng mức. Điều đó đã dẫn đến hệ lụy: con người thờ ơ với sách và việc tích lũy tri thức, nhiều người sống vô cảm, số lượng tội phạm nghiêm trọng (đặc biệt là trong giới trẻ) có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.
Có cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Quang Thạch (Chương trình Sách hóa Nông thôn) nhận định, phần lớn người dân Việt Nam chưa có thói quen đọc sách.
“Năm 2015, trên hành trình đi bộ từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh, tôi có tiến hành phỏng vấn, khảo sát về việc đọc sách của người dân. Kết quả cho thấy, trong số 3.000 tham gia khảo sát, chỉ có 38 người biết đến cuốn ‘Những tấm lòng cao cả,’ 20 người biết cuốn ‘Robinson Cruiso,’ 20 người biết cuốn ‘Góc sân khoảng trời.’ Trong khi đó, đây là ba cuốn sách được trích dẫn trong sách giáo khoa,” ông Nguyễn Quang Thạch nói.
Ngoài ra, qua các khảo sát trên diện rộng trong quá trình thực hiện Chương trình Sách hóa Nông thôn, ông Thạch cho biết, ở nông thôn, ngoại trừ một số gia đình giáo viên, các gia đình khác hầu như không có cuốn sách nào ngoài sách giáo khoa và sách bài tập nâng cao của học sinh.
“Gia đình thiếu sách như vậy thì học sinh không thể có thói quen đọc sách. Tuổi học trò không hình thành thói quen đọc sách thì khi lớn lên rất khó có thói quen đó. Điều đáng buồn là, nhiều phụ huynh, giáo viên cho rằng, học sinh không cần đọc gì nhiều; thay vào đó, chỉ cần tập trung học kiến thức trong sách giáo khoa để có thành tích học tập, bảng điểm tốt,” ông Nguyễn Quang Thạch bày tỏ quan điểm.
Theo số liệu thống kê của Vụ Thư viện (đề cập trong tham luận tại hội thảo), hệ thống thư viện công cộng hiện nay lưu trữ khoảng 41 triệu bản sách (không tính tài liệu điện tử) phục vụ người dân, ước đạt 0,45 bản sách/người. Mỗi năm, số lượng sách được nhập vào hệ thống thư viện công cộng là khoảng 1 triệu bản.
“Học thật thì mới đọc thật”
Nhằm khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đọc sách với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg (ngày 24.2.2014) lấy ngày 21.4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam.
Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) đánh giá, sau 5 năm triển khai, Ngày Sách đã nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương và đông đảo nhân dân cả nước. Hiệu quả của việc phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng cũng được nâng cao rõ rệt.
Từ khi có Ngày Sách Việt Nam, lượng người đến với thư viện có sự gia tăng, lượt sách báo được đưa ra phục vụ không ngừng tăng lên. Cụ thể, trong thời gian từ năm 2014-2018, số lượng người sử dụng thư viện tăng từ 24,073 triệu người lên 36,066 triệu người, tổng lượt sách báo phục vụ của thư viện tăng từ 51,921 triệu lượt lên 58,384 triệu lượt.
Tuy nhiên, tại hội thảo, các đại biểu thống nhất quan điểm cho rằng, việc hình thành thói quen đọc sách, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng không chỉ trông chờ vào Ngày Sách hay hội sách.
Ông Nguyễn Quang Thạch cho rằng, để việc xây dựng, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng đạt hiệu quả cao, trước hết cần tập trung vào nhóm đối tượng học sinh, sinh viên. “Tôi cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần vào cuộc quyết liệt để ngay từ cấp mầm non, các em học sinh đã được tiếp xúc với sách, nghe cô giáo đọc sách,” ông Thạch bày tỏ.
Ngoài ra, ông Nguyễn Quang Thạch cũng cho rằng, hệ thống thư viện trường học cần sự thay đổi mang tính đột phá. Thay vì việc mỗi trường chỉ có một thư viện thì mỗi lớp học nên có một tủ sách. Học sinh các lớp có thể cùng đọc và trao đổi sách. Ngoài ra, phụ huynh, giáo viên cũng nên lập các tủ sách.
Ở góc độ khác, ông Bạch Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định cho rằng, việc tổ chức các cuộc thi kể chuyện theo sách, giới thiệu sách, giao lưu tác giả-bạn đọc, nhân rộng các mô hình thư viện… là việc cần thiết để phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng.
“Tuy nhiên, đó là những việc làm trước mắt. Còn ở chiều sâu, để đi đường xa, vấn đề đặt ra là: phải học thật với tinh thần tiếp thu, tích lũy tri thức thật (thay cho việc chạy theo thành tích, đối phó với những kỳ thi) thì mới có việc đọc thật; người tài, có kiến thức cần được trọng dụng thì mới có việc đọc thật, học thật,” lãnh đạo tỉnh Nam Định bày tỏ quan điểm.
Trên cơ sở những ý kiến của các đại biểu tại hội thảo, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể về việc xây dựng, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng để trình Thủ tướng Chính phủ; trong đó sẽ phân cấp quản lý, gắn trách nhiệm cụ thể với cấp, đơn vị (cơ quan quản lý nhà nước, cấp hội, địa phương…)./.
Theo An Ngọc (Vietnam+)