Vui mùa Ðông Xuân
Hiện nông dân tỉnh ta đã cơ bản thu hoạch xong lúa Ðông Xuân 2018 - 2019, năng suất lúa bình quân đạt 69,3 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước. Trên các cánh đồng làng, niềm vui được mùa hiện rõ trên khuôn mặt rám nắng của bà con nông dân.
Ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), thông tin: Vụ Đông Xuân 2018- 2019, toàn tỉnh đã thực hiện được 48.211 ha lúa, đạt gần 100% kế hoạch. Hiện bà con nông dân đã cơ bản thu hoạch xong lúa và thắng lợi lớn chưa từng có.
Nông dân xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát thu hoạch lúa Đông Xuân 2018 - 2019.
Trúng mùa, được giá
Ngày 16.4, ông Lê Văn Thừa, ở xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát đã thu hoạch xong sào lúa cuối cùng của vụ Đông Xuân 2018- 2019. Sau khi nhẩm tính, ông Thừa cười mãn nguyện: “Đầu vụ mưa lũ liên tiếp, tôi phải sạ đi sạ lại 4 sào lúa nhiều lần, nguồn lúa giống dự trữ không còn, đi mua cũng không có vì địa phương nào cũng thiếu giống, trong khi lịch thời vụ đã trễ. Được Nhà nước hỗ trợ, tôi ngâm ủ và gieo sạ kịp thời. Bù lại cho những ngày mưa lũ, phần thời tiết còn lại rất thuận lợi, cây trồng phát triển tốt. Bình quân năng suất lúa đạt 450 kg/sào (tương đương 90 tạ/ha), cao hơn 50 kg/sào so với vụ này năm trước. Vui hơn nữa là giá thóc vụ này hiện cao hơn cùng kỳ năm trước nên thu nhập tăng đáng kể”.
Niềm vui được mùa lan tỏa khắp mọi nơi trong tỉnh, bà Nguyễn Thị Bốn, ở xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước khoe: “Tôi mới thu hoạch xong 5 sào lúa giống, bình quân được 400 kg/sào, sản phẩm được DN thu mua với giá cao hơn giá thóc thịt tại thời điểm, nên tôi vui lắm”.
Là người thường xuyên bám sát cơ sở, phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ, hướng dẫn nông dân khắc phục thiên tai và chuyển giao kỹ thuật, ông Phan Văn Khiêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước cho hay: Ở Tuy Phước, vụ Đông Xuân này quả là gian nan. Hơn 2.700 ha lúa phải sạ đi sạ lại nhiều lần, nguồn lúa giống thiếu hụt nghiêm trọng. Ở một số vùng, nước lũ rút rất chậm và nhiều diện tích đất bị sa bồi chưa cải tạo được, nông dân đứng ngồi không yên. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh và huyện, trong vòng 1 tuần chúng tôi liên hệ với các DN cung ứng hàng trăm tấn lúa giống cho nông dân. Kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn (CĐL), cánh đồng mẫu lớn (CĐML) và công tác chuyển giao kỹ thuật sản xuất, bảo vệ cây trồng được quan tâm thực hiện. Nhờ vậy, vụ sản xuất này nông dân đảm bảo kế hoạch sản xuất 7.600 ha lúa, trong đó có 400 ha CĐL liên kết chuỗi giữa nông dân và DN. Năng suất lúa bình quân đạt 73,4 tạ/ha, nhiều vùng năng suất trên 80 tạ/ha. Nhìn bà con nông dân vui vì được mùa, chúng tôi cũng vui lây.
Tỉnh ta đã nhiều lần điều chỉnh lịch thời vụ; đồng thời triển khai nhanh và hiệu quả chính sách hỗ trợ lúa giống cho những hộ bị thiệt hại do mưa lũ và hỗ trợ giống lúa lai cho đồng bào dân tộc thiểu số để sản xuất. Chỉ trong một trong thời gian ngắn, 5.100 tấn lúa giống chất lượng cao đã được hỗ trợ để nông dân sản xuất. Các địa phương cũng đã xây dựng được 132 CĐML và 4 CĐL sản xuất lúa và cây trồng cạn với trên 8.000 ha; đồng thời tổ chức đồng loạt ra quân diệt chuột và các loại sâu bệnh, bảo vệ cây trồng.
Quyết tâm giành thắng lợi vụ Hè Thu
Theo kế hoạch, vụ Hè Thu năm nay toàn tỉnh thực hiện 43.298 ha, trong đó có 9.104 ha vụ Hè, 34.194 ha vụ Thu. Để đảm bảo kế hoạch trên, UBND tỉnh yêu cầu ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương tiếp tục thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó tập trung chuyển đổi những diện tích lúa kém hiệu quả sang sản xuất các loại cây trồng cạn; duy trì và mở rộng diện tích CĐML, CĐL theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo quyết liệt về lịch thời vụ, cơ cấu giống và chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ cây trồng.
Hiện các giải pháp sản xuất vụ Hè Thu đã được ngành Nông nghiệp tỉnh và chính quyền các địa phương triển khai. Trong đó, đối với vụ Hè, các đơn vị chỉ đạo nông dân thu hoạch lúa Đông Xuân đến đâu tiến hành cải tạo đồng ruộng, lựa chọn, sử dụng các loại giống lúa chủ lực: Khang dân đột biến, ĐV 108, PC6, ANS1 để gieo sạ, phấn đấu đến ngày 15.4 là kết thúc vụ Hè.
Với vụ Thu, hướng dẫn nông dân sử dụng các giống lúa thuần, lúa lai trung và dài ngày có tiềm năng năng suất cao, như: Khang dân đột biến, ĐV 108, Q5, TBR1, ĐB 6, TH 3-3, TH3-5, HYT 108, Nhị ưu 838 và xuống giống từ ngày 1 - 20.5. Việc quy hoạch diện tích sản xuất các CĐL, CĐML, diện tích chuyển đổi đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng cạn cũng đã được thực hiện.
Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Sở yêu cầu các đơn vị trực thuộc chủ động nguồn giống, thuốc bảo vệ thực vật để cung ứng đủ và kịp thời cho nông dân. Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi nạo vét kênh mương, xây dựng lịch phân phối nước cụ thể cho từng nơi, thông báo cho các địa phương biết để chủ động thực hiện kế hoạch sản xuất. Chúng tôi cũng sẽ thành lập đoàn công tác phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường chỉ đạo sản xuất và phòng trừ chuột, sâu bệnh cho cây trồng, vật nuôi.
PHẠM TIẾN SỸ
Theo Phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn: Vụ Ðông Xuân, toàn huyện gieo sạ trên 5.800 ha, đạt 100,2% kế hoạch, năng suất đạt từ 68 - 72 tạ/ha, tăng từ 1 đến 1,5 tạ/ha so với cùng kỳ năm ngoái. Vụ này, huyện tập trung triển khai thực hiện CÐML và cánh đồng kỹ thuật tiên tiến với trên 1.800 ha, với gần 17.800 hộ nông dân tham gia tại 15 xã và 65 cánh đồng sản xuất lúa, với năng suất đạt hơn 71 tạ/ha, tăng hơn 1 tạ/ha so với lúa đại trà.
Triển khai sản xuất vụ Hè Thu 2019, huyện Hoài Nhơn chỉ đạo thu hoạch lúa Ðông Xuân đến đâu tranh thủ làm đất, gieo sạ đến đó. Ðến nay nông dân trong huyện đã gieo sạ được gần 2.000 ha lúa vụ Hè. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật cho nông dân, hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng cạn phù hợp ở những chân đất thiếu nước tưới; đảm bảo đạt năng suất cao.
THÁI NGÂN