Trường mầm non Vĩnh Thuận: “Nơi thương, chốn nhớ” của trẻ
Trường mầm non xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh có đến 93,7% học sinh là trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là người Bana. Từ lâu trường đã trở thành “nơi thương, chốn nhớ” của trẻ em, là niềm tin của phụ huynh nơi đây.
Trẻ ở Trường mầm non xã Vĩnh Thuận có nhiều hoạt động sinh hoạt tại trường.
Thoạt đầu tôi muốn tìm hiểu ngôi trường này vì đây là ngôi trường bán trú duy nhất của huyện Vĩnh Thạnh, thực hiện thành công mô hình dạy bán trú cho tất cả học sinh từ độ tuổi 13 - 60 tháng tuổi. Nhưng sau những lần đến thăm trường, trò chuyện với phụ huynh và cả vui chơi với các cháu, tôi nhận ra rằng cần thay đổi mục đích bởi đây thật sự là “nơi thương, chốn nhớ” của trẻ.
Thay đổi nhận thức
Ấn tượng cho những ai lần đầu đến thăm Trường mầm non Vĩnh Thuận có lẽ là những bóng cây xanh rợp mát. Trên mỗi cây, trường gắn bảng ghi nhớ tấm lòng của đơn vị, cá nhân tặng. Nhiều giáo viên ở đây kể lại, tất cả là do người dân nơi đây mang đến tặng cho trường nhằm tạo không gian học tập, sinh hoạt cho con em mình. Cô Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: 10 năm trước khi trường bắt đầu hoạt động, phụ huynh thường đứng xung quanh trường theo dõi xem thử con họ làm gì trong trường. Nhiều người không yên tâm đến xin đưa trẻ về sớm, nhưng chính các cháu lại muốn ở lại chơi với cô, với bạn. Rất nhanh sau đó, nhiều phụ huynh đã chủ động phối hợp với trường tạo dựng không gian xanh mát cho trẻ, tạo cho trẻ niềm ham muốn đến trường.
Những ngày đầu, nhà trường kết hợp với chính quyền địa phương, đoàn thể, người uy tín trong làng để vận động, giúp phụ huynh hiểu về việc đưa trẻ đến trường và lợi ích của việc tổ chức bán trú cho trẻ. Dần dần nhiều người đã tin cậy các cô và giờ đây đã bắt đầu chủ động xin cho trẻ đến học. Hôm tôi đến trường cũng là lúc ông Đinh A Nhơ, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thuận, đang trao đổi với một nhóm giáo viên về việc làm thêm những chiếc gùi để đặt trong góc truyền thống cho trẻ. Ông Nhơ khoe với tôi: Mình nhận lời làm giúp các cô để trẻ nhỏ có cái vừa học vừa chơi. Trước đây mình cũng làm đàn tơ-rưng và chơi đàn cho trẻ xem, các cháu rất thích!
“Tôi gắn bó với ngôi trường từ ngày đầu thành lập, trường thì mỗi ngày một tốt lên, tôi chỉ mong có như thế bởi lẽ đây là nền tảng phát triển của con em đồng bào mình. Tại đây trẻ được học hành, chăm sóc tốt. Vì vậy tôi cố gắng đồng hành cùng nhà trường mang đến những điều tốt đẹp cho con em mình” - ông Đinh A Nhơ tâm sự.
Gia đình thứ 2 của bé
Đến trường thì trẻ không phải theo mẹ lên nương rẫy, chịu nắng, mưa. Do vậy, thể trạng, sự phát triển của trẻ cũng khá hơn. Tại thời điểm cuối tháng 3 đầu tháng 4.2019, có tới 96,43% trên tổng số trẻ đạt tăng trưởng về cân nặng, 94,29% trẻ đạt tiêu chuẩn về chiều cao. Khi tôi làm quen với các cháu, nhiều cháu dạn dĩ trò chuyện, thăm hỏi lại. Trong đó My là một em bé rất nhanh nhẹn, tự tin: “Con tên là My. Con 5 tuổi. Con vừa mới được cô dạy nhảy”.
Tan trường, khi phụ huynh chưa đến đón, các em cùng nhau chơi nhà banh, chơi xích đu, nhảy ngựa... hòa đồng, hồn nhiên. “Tôi có 3 đứa con, 2 con đầu sinh đôi nên đều đang học lớp 3, đứa nhỏ theo học bán trú được các cô chăm sóc rất tốt. Từ khi đi học, bé tự biết giờ phải ngủ, khi thức dậy còn tự gấp chiếu, dọn mền” - chị Đinh Thị Hân (30 tuổi), một phụ huynh Trường mầm non Vĩnh Thuận tâm sự.
Không chỉ dạy bé học tập, nề nếp, các bé Trường mầm non Vĩnh Thuận còn được tiếp xúc với văn hóa truyền thống của đồng bào mình. Ở mỗi lớp học, nhà trường bài trí góc truyền thống, ở đó trưng bày các dụng cụ sinh hoạt văn hóa, lao động của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Cô Nguyễn Thị Hiền cho biết: “Chúng tôi còn dạy thêm cho bé về tiếng Việt, dạy kỹ năng, kiến thức. Và đặc biệt quan tâm truyền dạy cho các cháu về văn hóa, cội nguồn của các bé. Đây là độ tuổi xây dựng nền tảng nhận thức, dù chưa hiểu nhiều nhưng được tiếp xúc thường xuyên, những hình ảnh đó sẽ in sâu vào các em”.
“Trường mầm non Vĩnh Thuận là trường duy nhất của Vĩnh Thạnh dạy bán trú cho cả độ tuổi nhà trẻ và độ tuổi mẫu giáo. Nhờ nỗ lực của các cô, ngày nay, người dân ở đây không còn e dè khi đưa trẻ đến trường, cũng không còn lo lắng khi để con em ở lại học bán trú nữa” - chị Hà Thị Ngọc Hiền, chuyên viên phụ trách mầm non, Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thạnh cho biết.
THẢO KHUY