Dự phòng và sàng lọc ung thư cổ tử cung
Số người tiêm vắc - xin phòng bệnh ung thư cổ tử cung tại Bình Ðịnh còn ít, hoạt động khám sàng lọc căn bệnh này chưa được triển khai. Trong khi đó, bệnh này là một trong những căn bệnh ung thư phổ biến ở Việt Nam, chỉ xếp hàng thứ 2 sau ung thư vú và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các căn bệnh ung thư ở phụ nữ.
Mô hình tư vấn trực tiếp tại y tế xã.
Xuất phát từ thực tế đó, ThS Nguyễn Thị Như Tú (Sở Y tế), TS Trương Quang Đạt (Trường CĐ Y tế Bình Định) và nhóm nghiên cứu đã xây dựng và triển khai mô hình phòng chống ung thư cổ tử cung (UTCTC) dựa vào y tế xã cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 - 49 tuổi) tại xã Canh Hòa, huyện Vân Canh.
UTCTC là bệnh gây chết người và chi phí điều trị cao nhưng có thể phòng ngừa nếu được tiêm phòng, phát hiện ở giai đoạn tiền ung thư và điều trị kịp thời. Do khoảng thời gian hình thành và tồn tại tổn thương tiền ung thư ở cổ tử cung tương đối dài; mặt khác đây là bộ phận có thể trực tiếp thăm khám, lấy bệnh phẩm và thực hiện các can thiệp điều trị nên đại đa số các trường hợp UTCTC có thể phòng ngừa bằng cách sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị các thương tổn tiền ung thư.
Nhóm nghiên cứu đã chọn địa phương can thiệp là xã miền núi Canh Hòa (huyện Vân Canh) có đại đa số phụ nữ là người dân tộc thiểu số dù biết sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn, trong đó bất đồng về ngôn ngữ là một rào cản rất lớn. ThS Nguyễn Thị Như Tú cho biết, qua cuộc phỏng vấn với một số phụ nữ thôn Canh Thành về lý do vì sao không đi khám phụ khoa, một số cho biết do thấy không có lợi ích gì, số khác cho rằng không cần thiết phải đi khám, người khỏe mạnh bình thường mắc gì phải đi khám phụ khoa hoặc vì chưa có chồng nên không đi. Một thực tế đáng lo lắng khác là họ hoàn toàn không có kiến thức về UTCTC cũng như không nhận được tư vấn từ cán bộ y tế.
ThS Như Tú kể: “Họ bảo tôi rằng, cũng có nghe tivi nói về UTCTC nhưng không hiểu lắm; nghe rồi quên liền, không nhớ, không biết gì cả, còn ở trạm y tế xã thì chưa được nghe các cô chú y tế bảo phải làm gì”.
Trong khi chị em không hiểu, có tâm lý ngại đi khám phụ khoa thì nguy cơ mắc bệnh lại rất gần do chất lượng sống, do thói quen sinh hoạt, như: quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, kết hôn sớm, có thai lần đầu sớm, sinh nở nhiều, thiếu chất dinh dưỡng, hút thuốc lá, vệ sinh kém, di truyền... Vậy nên nhóm nghiên cứu nỗ lực tìm giải pháp thật phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.
Mô hình can thiệp họ đưa ra có các nhóm hoạt động chính, gồm: giám sát hỗ trợ hoạt động; cung cấp dịch vụ phòng chống UTCTC; cung cấp dịch vụ phòng chống UTCTC, gồm: các hoạt động truyền thông trực tiếp, gián tiếp và thực hiện kỹ thuật VIA tại trạm y tế xã và sử dụng dịch vụ phòng chống UTCTC của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 - 49 tuổi).
Cụ thể, nhóm chia thời gian thực hiện thành 3 giai đoạn với các nội dung triển khai can thiệp trong 12 tháng rất thiết thực với chị em đồng bào, bao gồm mở hội thảo triển khai mô hình, mở 11 lớp tập huấn, thực hiện 36 buổi truyền thông lồng ghép tại 3 thôn/làng, thăm 300 hộ gia đình để tư vấn trực tiếp, tư vấn tại trạm y tế xã cho 150 phụ nữ, phát 720 lần thông điệp trên loa phát thanh xã, cung cấp 3.000 tờ rơi và 20 áp-phích.
Tư vấn về UTCTC và sàng lọc UTCTC (bằng kỹ thuật VIA) cho các phụ nữ đến khám phụ khoa hoặc sử dụng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình hiện đại tại trạm y tế do 1 nữ hộ sinh chuyên trách công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em của trạm y tế thực hiện. Tư vấn về UTCTC, nhiễm HPV và sàng lọc UTCTC cho tất cả những người dân (trên 14 tuổi) kể cả nam và nữ đến trạm y tế để khám bệnh do 4 y, bác sĩ của trạm y tế thực hiện. Tư vấn về tiêm phòng vắc- xin HPV phòng UTCTC cho tất cả những người dân kể cả nam và nữ có con gái trong độ tuổi (9 - 26 tuổi) chưa lập gia đình đến trạm y tế để khám bệnh do 4 y, bác sĩ của trạm y tế thực hiện.
Kết quả can thiệp của nhóm đã mang lại kết quả rất đáng phấn khởi. Đã có 74,7% phụ nữ 15 - 49 tuổi ở xã Canh Hòa được khám phụ khoa và một số chị em (15 - 26 tuổi) chưa quan hệ tình dục đã tiêm đủ 3 mũi vắc- xin phòng bệnh UTCTC, chiếm 12,5%. Số phụ nữ được tư vấn VIA chiếm 97,3%, tăng lên so với trước khi can thiệp là 86,9% và số phụ nữ được làm test VIA là 95,1%, tăng lên 85,6% so với trước khi triển khai các hoạt động can thiệp.
Tại các buổi thảo luận nhóm, chị em ở thôn Canh Thành nhận ra, để phòng bệnh UTCTC thì không nên sinh đẻ nhiều, nạo phá thai nhiều, không quan hệ tình dục lúc còn nhỏ và không quan hệ với nhiều người. Phải vệ sinh và giữ “vùng kín” khô ráo, cần ăn thêm trứng gà, rau xanh vì thiếu chất, thiếu vitamin và không vệ sinh sẽ dễ có nguy cơ mắc UTCTC.
KHÁNH HUÂN