Tiến tới mục tiêu “Kho bạc 3 không”
Ông Trần Trọng Tiến
Thực hiện chủ trương của Chính phủ và Bộ Tài chính, thời gian qua Kho bạc Nhà nước Bình Ðịnh nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động Kho bạc Nhà nước, với mục tiêu xây dựng mô hình “Kho bạc 3 không”, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng. PV báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Trần Trọng Tiến, Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước Bình Ðịnh về vấn đề này.
* Xin ông cho biết đôi nét về mô hình Kho bạc điện tử?
- Thời gian qua, chúng tôi đã nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào các lĩnh vực quản lý và hoạt động nghiệp vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, nhất là các đối tượng thu, nộp ngân sách, thụ hưởng ngân sách Nhà nước. Theo đó, Kho bạc Nhà nước tỉnh đã triển khai đề án “Hiện đại hóa công tác thu nộp ngân sách Nhà nước”, thực hiện bước đột phá về quy trình thu nộp, chuyển dần từ thu nộp tiền mặt sang hình thức thu mới hiện đại. Tiếp đó, Kho bạc Nhà nước tỉnh đã triển khai nhiều phương thức thanh toán, như: Thanh toán điện tử liên Kho bạc Nhà nước; Thanh toán liên ngân hàng (tại Kho bạc Nhà nước); Thanh toán điện tử song phương ngoài Kho bạc Nhà nước qua các ngân hàng thương mại. Ngoài ra, Kho bạc Nhà nước tỉnh còn mở các tài khoản chuyên thu tại 5 hệ thống ngân hàng. Mục tiêu mà Kho bạc Nhà nước tỉnh hướng tới trong tương lai là khách hàng không còn phải trực tiếp giao dịch với các cán bộ, nhân viên Kho bạc Nhà nước nữa, mà có thể chọn cách nộp ngân sách Nhà nước bằng thao tác các lệnh thanh toán qua Internet-banking, mobile-banking.
* Ông có thể nói rõ hơn về mô hình này?
- Kho bạc điện tử là một trong những nhiệm vụ, mục tiêu hiện đại hóa hệ thống mà Kho bạc Nhà nước Trung ương đề ra. Theo đó, mục tiêu mà ngành Kho bạc Nhà nước hướng tới là sẽ triển khai thực hiện “Kho bạc 3 không”, gồm: Không giao dịch tiền mặt, không giao dịch trực tiếp với khách hàng và không chứng từ giấy. Điều này đồng nghĩa là các thủ tục hành chính tại Kho bạc Nhà nước sẽ đơn giản, gọn gàng; khách hàng sẽ không phải giao dịch trực tiếp với các cán bộ, nhân viên Kho bạc Nhà nước nữa; các hoạt động thu, chi bằng tiền mặt tại Kho bạc Nhà nước sẽ chấm dứt.
Hướng đến mục tiêu xây dựng mô hình Kho bạc điện tử, thời gian qua, Kho bạc Nhà nước tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều chương trình ứng dụng CNTT, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, nhất là các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
- Trong ảnh: Hội nghị “Triển khai dịch vụ công trực tuyến đợt II-2019”do Kho bạc Nhà nước tỉnh tổ chức thu hút khá đông đại biểu là lãnh đạo, kế toán của các sở, ngành, cơ quan, đơn vị hưởng ngân sách Nhà nước.
* Còn Chương trình Dịch vụ công trực tuyến tại Kho bạc Nhà nước thì sao, thưa ông?
- Kho bạc Nhà nước Bình Định là một trong những đơn vị được chọn triển khai thí điểm Chương trình này. Đầu tháng 2.2018, chúng tôi đã triển khai thí điểm cho các đơn vị thuộc Kho bạc Nhà nước tỉnh. Đến đầu tháng 3.2019, chúng tôi triển khai Chương trình giai đoạn 2 cho các đơn vị trực thuộc và các sở: Tài chính, Nội vụ, TT&TT, Ngoại vụ. Qua chương trình, chúng tôi đã giới thiệu những nội dung chủ yếu về dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước. Ngày 10.4 vừa qua, Kho bạc Nhà nước tỉnh đã tổ chức Hội nghị “Triển khai dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước đợt II-2019”, với sự tham dự của hơn 400 đại biểu là lãnh đạo, kế toán của các sở, ngành, cơ quan, đơn vị hưởng ngân sách Nhà nước và có tài khoản tại Kho bạc Nhà nước tỉnh. Dự kiến, trong đợt 3, Kho bạc Nhà nước tỉnh sẽ triển khai chương trình này tại Kho bạc Nhà nước TP Quy Nhơn, Kho bạc Nhà nước TX An Nhơn và Kho bạc Nhà nước các huyện còn lại.
* Có khó khăn nào không khi triển khai Chương trình, thưa ông?
- Tất nhiên là cũng có một số khó khăn nảy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu. Theo đó, để thực hiện công tác ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực quản lý và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước; triển khai Chương trình dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước, tiến tới thực hiện mô hình Kho bạc điện tử thì rất cần điều kiện, khả năng ứng dụng CNTT, nhất là yêu cầu đối với cán bộ Kho bạc Nhà nước các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa và cả đối với các ban, ngành… Trong khi đó, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật và việc ứng dụng CNTT tại nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh còn khá hạn chế .
Chúng tôi đã chủ động nâng cấp cơ sở vật chất, đào tạo về ứng dụng CNTTvà về quy trình nghiệp vụ, cơ chế chính sách mới cho cán bộ làm công tác tin học tại các đơn vị Kho bạc Nhà nước, phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị trong việc xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin và công tác ứng dụng CNTT khi triển khai Chương trình dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước, tiến tới thực hiện mô hình Kho bạc điện tử.
* Xin cảm ơn ông!
VIẾT HIỀN (Thực hiện)