Phải cùng nhau ngăn chặn bạo lực học đường
Chúng ta đã xem - nghe - đọc rất nhiều về tình trạng bạo lực học đường, có thể nói tình trạng xấu này diễn ra hầu như ở tất cả các tỉnh thành. Nào là thầy cô xử phạt, sỉ nhục học sinh bằng những hình phạt kỳ dị, xúc phạm nhân cách học sinh, thậm chí phải nói là độc ác; bạn học cùng lớp, cùng trường lại hành xử với nhau theo kiểu giang hồ, đánh hội đồng, lột đồ, quay clip đưa lên mạng bêu xấu. Thầy cô đánh trò, rồi trò đánh lại thầy cô, học sinh đánh lẫn nhau và cả những vụ thầy cô đánh nhau. Chuyện diễn ra ở khá nhiều tỉnh thành đến mức khi lan tỏa trên mạng xã hội đã tạo hiệu ứng lo lắng chung.
Về nguyên nhân, theo tôi thứ nhất là do lứa tuổi học trò hiện nay chịu tác động mạnh mẽ của môi trường sống mà trong ấy đáng tiếc lại chứa đựng nhiều sự gian dối, thông tin sự gian dối ấy được công khai nhiều hơn mức cần thiết: Người lớn gian dối (mua bán bằng cấp, dựa dẫm quyền thế để gởi gắm…); thầy giáo gian dối (nhận phong bì nâng điểm bài thi, đổi tình ban điểm, lạm dụng tình dục…); phụ huynh gian dối (con học dốt lại cố xin lấy điểm cao; bằng mọi cách lấy lòng thầy giáo, nhà trường để con được nâng đỡ không trong sáng…); nhà trường gian dối (chạy theo thành tích nâng khống tỉ lệ học sinh khá giỏi, giấu nhẹm các chuyện tiêu cực ở trường để cấp trên kiểm tra công nhận đạt chuẩn…). Tôi nghĩ, những hiện tượng này khiến không ít học sinh đã mất niềm tin, suy giảm ham muốn học tập. Từ đó sinh ra cách ứng xử lệch chuẩn và đến đỉnh điểm là gây ra bạo lực học đường.
Thứ hai là mối quan hệ nhà trường - gia đình - xã hội chưa ổn. Từ thực trạng bạo lực học đường đang diễn ra phức tạp như hiện nay cần phải xem lại mỗi quan hệ này còn bền chặt không, hay chỉ là hình thức suông. Nên nhớ, từng có ý kiến đề xuất giải thể Hội cha mẹ học sinh ở các trường do cho rằng hội này chủ yếu là vận động phụ huynh học sinh đóng góp tiền cho những hoạt động ngoại khóa, mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho lớp, cho trường. Để giúp hạn chế tình trạng bạo lực học đường thì cần phải “làm mới” mối quan hệ nhà trường - gia đình - xã hội, để “sợi dây” này có tác dụng thực chất và hiệu quả.
Để chấn chỉnh trật tự học đường, tôi nghĩ: 1. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. 2. Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng. 3. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. 4. Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội; nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo. 5. Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học giáo dục và khoa học quản lý.
MAI MỘNG TƯỞNG