“Trữ tình” là gì?
“Trữ tình” là từ khá quen thuộc với nhiều người. Và chắc hẳn, không ít trong chúng ta nghĩ rằng, “trữ tình” có nghĩa là “cất giấu, chứa đựng tình cảm”. Điều này có cơ sở của nó. Bởi trong tiếng Việt, trong số các hình vị “trữ”, hình vị “trữ” gốc Hán với nghĩa “cất, chứa” trong cách hiểu trên chiếm tỉ lệ lớn nhất, được dùng phổ biến nhất. Số lượng từ có sự tham gia cấu tạo của hình vị này cũng nhiều nhất. Chẳng hạn: trữ lượng, tích trữ, trữ chứa, dự trữ, lưu trữ,…
Tuy nhiên, cách hiểu trên lại là một sự nhầm lẫn. Vậy, “trữ tình” nghĩa là gì? Mấu chốt nằm ở hình vị “trữ”. Đây cũng là một hình vị gốc Hán, cũng mang nghĩa động từ như “trữ” với nghĩa “cất, chứa” (bộ bối hoặc miên). Tuy nhiên, chúng chỉ là hai yếu tố đồng âm. “Trữ” trong “trữ tình” thuộc bộ thủ (liên quan đến hoạt động của tay), nghĩa gốc là “tháo ra, cởi ra”, rồi phái sinh nghĩa “tuôn ra, bày tỏ ra, biểu đạt ra”. Như vậy, “trữ tình” có thể hiểu là “bày tỏ, biểu đạt tình cảm”. Trong quá trình hành chức, nghĩa của từ này bị thu hẹp dần. Từ điển tiếng Việt giảng “trữ tình” là “có nội dung phản ánh hiện thực bằng cách biểu hiện những ý nghĩ, xúc cảm, tâm trạng riêng của con người, kể cả bản thân người nghệ sĩ, trước cuộc sống” (Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm Từ điển ngôn ngữ xuất bản, 1992, tr.1035).
Cần lưu ý, đồng âm là hiện tượng phổ biến ở mọi ngôn ngữ. Trong tiếng Việt, có rất nhiều yếu tố gốc Hán đồng âm, do đó, thường gây nhầm lẫn. Cho nên, muốn hiểu đúng nghĩa của từ, cần phải nắm vững nghĩa gốc của các yếu tố cấu tạo nên nó.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ