Tăng cường công tác bảo vệ rừng
Hơn 3 tháng qua, trời không có mưa, nguy cơ cháy rừng ở mức rất cao, công tác bảo vệ rừng được ngành Kiểm lâm và các địa phương triển khai quyết liệt với nhiều giải pháp. Ðể tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng, UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị về đẩy mạnh các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng.
Theo Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT), trong 3 tháng đầu năm 2019, Chi cục đã phối hợp với các chủ rừng, chính quyền địa phương tổ chức 419 đợt tuần tra, truy quét bảo vệ rừng, phát hiện, xử lý 45 vụ vận chuyển, mua bán, cất giữ lâm sản trái phép. Nhờ đó, không có vụ cháy rừng nào xảy ra, tình hình khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã, lấn chiếm đất lâm nghiệp đã được hạn chế.
Ông Đặng Bá Quang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh, cho hay: “Đơn vị đã phối hợp cùng chính quyền các địa phương, các đơn vị chủ rừng tổ chức 120 đợt truy quét trong rừng vùng giáp ranh huyện An Lão, huyện Kbang (tỉnh Gia Lai). Qua đó, phát hiện 13 vụ vi phạm mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép, tạm giữ 8,822 m3 gỗ các loại, 52 kg gỗ hương, 6 mô tô, 1 ô tô”.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Nhơn tuần tra bảo vệ rừng.
Không chỉ chính quyền các địa phương và ngành Kiểm lâm, chính các chủ rừng là những người sớm triển khai nhiều biện pháp bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng. Ông Trần Ngọc Thái, một chủ rừng ở thôn An Đỗ, xã Hoài Sơn (huyện Hoài Nhơn), bộc bạch: “40 ha rừng trồng của gia đình tôi là tài sản rất lớn nên chúng tôi thường xuyên phân chia nhau trực để kiểm tra, bảo vệ rừng. Hiện, gia đình cũng đang khai thác rừng trồng, xong sẽ báo cáo xã để xin phép đốt dọn thực bì, tiếp tục trồng mới”.
Theo ông Trần Văn Thắm, Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Đức (huyện Hoài Nhơn): “Xã thường xuyên cử lực lượng phối hợp kiểm lâm địa bàn tuần tra bảo vệ rừng. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, chốt chặn, tuần tra, có được sự đồng thuận cao trong nhân dân nên ở xã đã hạn chế tình trạng khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép”.
Là địa phương có diện tích rừng lớn, huyện Tây Sơn rất tích cực trong công tác bảo vệ rừng. Ban Quản lý rừng phòng hộ Tây Sơn được Nhà nước giao quản lý 20.668,5 ha rừng và đất rừng phòng hộ phân bổ trên địa bàn 6 xã: Vĩnh An, Bình Tân, Tây Phú, Tây Giang, Tây Xuân, Bình Nghi. Trong đó, có trên 17.345 ha rừng tự nhiên, diện tích còn lại là rừng trồng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Theo ông Phạm Văn Tuấn, Phó giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Tây Sơn, đơn vị phối hợp với lực lượng kiểm lâm huyện, chính quyền các địa phương, Ban Quản lý rừng phòng hộ Vân Canh thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng và PCCC rừng; tổ chức lực lượng chốt chặn các địa điểm trọng yếu để ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép trên địa bàn quản lý. Riêng năm 2018, đơn vị đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện, UBND các xã tổ chức 82 đợt kiểm tra, truy quét, thu giữ hơn 8 m3 gỗ các loại, phá bỏ 2 hầm than, thu giữ 2 máy cưa. Đơn vị cũng đã xây dựng được 25 tổ bảo vệ rừng và PCCC rừng trên cơ sở các hộ nhận khoán bảo vệ rừng.
Để tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ rừng và PCCC rừng, thực hiện tốt chỉ thị của UBND tỉnh về triển khai ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng phá rừng, cháy rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, ông Nguyễn Thế Dũng, Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: “Chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, chủ rừng trong công tác bảo vệ rừng và PCCC rừng. Chỉ đạo các hạt kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, chính quyền cấp xã tuần tra, chốt chặn, truy quét ở tất cả các khu rừng trên địa bàn quản lý, nhằm phát hiện, xử lý kịp tình trạng vi phạm lâm luật, không để xảy ra điểm nóng. Kiên quyết xử lý đối với các hộ dân nhận khoán nhưng để xảy ra phá rừng, khai thác gỗ trái phép”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN