An Lão vào mùa “ăn” ong
Hàng năm, khoảng đầu tháng 3 đến tháng 6 âm lịch là thời điểm người dân vùng núi An Lão lại vào rừng săn mật ong. Nghề này mang lại thu nhập không nhỏ cho nhiều gia đình. Nhưng ít ai biết rằng, để lấy được những lít mật ngọt ngào đó, người đi lấy mật phải trải qua nhiều vất vả, gian nan.
Tôi tới thôn 2, xã An Vinh, huyện An Lão, nơi có nhiều người nổi tiếng về nghề săn ong rừng lấy mật. Nhờ người quen giới thiệu, anh Đinh Văn Neng cùng nhóm của anh đồng ý cho tôi được tham gia chuyến vào rừng săn mật ong rừng. Nói là săn nhưng đồ nghề, dụng cụ mang theo của họ chỉ là con dao, chiếc gùi, bật lửa.
Đến mùa, mỗi ngày có cả trăm người vào rừng lấy mật ong.
Giữa cái nắng như đổ lửa, sau hơn 2 tiếng đồng hồ dò tìm trong rừng sâu, lội qua nhiều khe suối, cuối cùng nhóm anh Neng cũng phát hiện được mấy chú ong xuống khe tìm nước. Có ong là có mật, mọi người im lặng chăm chú dõi theo hướng ong bay. Theo phán đoán của anh Neng, tổ ong nằm cách đó chừng 1 km theo đường chim bay. Thế là cả nhóm vạch cây xuyên rừng mà đi. Hơn 40 phút bám đuổi, đúng như dự đoán, cách con suối chừng 1 km, nhóm thợ đã tìm thấy một tổ ong mật treo lơ lửng trên cành cây cao chừng 20 m.
Phát hiện được tổ ong, mọi người lập tức phân chia, triển khai công việc theo thói quen. Người nhanh nhẹn đi tìm những nhánh củi khô chụm lại thành đuốc, người nhen lửa và tìm loại lá xanh phù hợp để bọc bên ngoài đuốc nhằm tạo khói xua ong. Người đan sọt đựng tổ ong, người chặt nứa, lấy dây rừng buộc nứa ốp vào thân cây làm thang từ gốc lên tới chỗ có tổ ong. Anh Neng bám thang nứa mà lên, mang theo chiếc sọt, bó đuốc đã đốt sẵn khói mù mịt cay xè mắt huơ huơ quanh tổ, đàn ong say khói tản ra bay khỏi tổ. Chỉ một lát sau, tổ ong no mật đã được những người thợ đưa xuống một cách nhẹ nhàng. Công việc còn lại chỉ là vắt mật vào chai để mang về.
Vừa leo xuống tới nơi, anh Neng cho hay: “Không phải lúc nào cũng thuận lợi như thế này đâu. Phần nhiều là những vị trí cheo leo, chót vót, dễ trượt ngã, nguy hiểm... Nhẹ thì bị ong đốt, nặng là lúc chẳng may té ngã khi đang ở trên cao, mang thương tật suốt đời, thậm chí có những trường hợp tử nạn. Lấy mật ong ở trên cây còn đỡ, gặp những tổ ong trên lèn đá cao, còn nguy hiểm hơn nhiều. Nhưng mình là người chuyên đi săn mật ong, đã chọn nghề rồi thì buộc phải cẩn thận, tính toán thật kỹ trước khi lấy mật”.
Niềm vui của một thợ săn mật ong.
Trước đây, rừng An Lão rậm rạp, ong làm tổ rất nhiều. Nhưng do tác động của con người, nay rừng không còn như xưa nữa. Đến mùa săn mật, mỗi ngày có hàng trăm người dân vào rừng đốt ong, tìm mật, nhiều người không nghĩ đến mai sau, chăm chăm lấy cho được mật lúc này thôi, còn thì quên hết. Do vậy, những loài cây có nhiều hoa cho ong lấy mật ít dần, rừng cây cũng thưa; ong mật lùi sâu vào những cánh rừng xa, lên vùng núi thẳm để làm tổ.
Hiện nay, mật ong rừng tại huyện An Lão được các thương lái mua với giá từ 300 - 500 ngàn đồng/lít. Từ đầu mùa đến nay, nhóm săn mật ong của anh Neng đã thu được gần 100 lít mật ong rừng. Cứ mỗi mùa săn mật như vậy, mỗi thành viên trong nhóm có thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Đây là một số tiền không nhỏ đối với một gia đình sinh sống ở khu vực miền núi còn nhiều khó khăn như ở An Lão. “Tôi chỉ mong sao bầy ong mật sinh sôi nảy nở ngày càng nhiều hơn, giúp bà con chúng tôi có nguồn thu nhập ổn định lo được cái ăn, cái mặc cho gia đình. Khi khai thác mật ong, tôi cố gắng làm sao để bảo vệ ong non. Có như vậy mùa sau mới có mà khai thác nữa, làm mất môi trường sống của ong, chúng sẽ bỏ đi”, anh Đinh Văn Neng tâm sự.
DIỆP THỊ DIỆU