Nhớ thương anh Trần Hinh
Có khá nhiều anh Trần Hinh trong một anh Trần Hinh. Một Trần Hinh làm đường, một Trần Hinh làm nhạc, một Trần Hinh làm thơ, một Trần Hinh ham vui ham chơi với bạn bè, và một Trần Hinh “mạnh thường quân” tổng hợp tất cả những màu sắc đó.
Nhớ những tháng ngày ở Quy Nhơn đói khổ, nhiều lúc tôi với anh Hinh phải “bán dần từng con phố”, do vì chúng tôi hay “ghi sổ” nên nợ nần dây dưa chưa trả được đành phải tránh các “phố nợ”. Đã có “phố Phái” trong hội họa, thì cũng có thể có “phố nợ” trong thơ. Tôi từng biết, bạn tôi, nhà thơ Trần Vũ Mai, khi còn sống cũng đã phải “bán” nhiều “phố nợ” ở Hà Nội thời bao cấp, do hay rượu mà dở tiền.
Nhà thơ, nhạc sĩ Trần Hinh (thứ 3 từ trái sang) trong một lần hội ngộ tại gia đình nhà thơ, nhạc sĩ Văn Cao. Tư liệu của VIẾT HIỀN
Nhưng điều đó cũng không hề làm chúng tôi kém vui, nhất là ngày ấy chúng tôi còn trẻ, rất trẻ. Gọi anh Trần Hinh là nhạc sĩ rất đúng, nhưng tôi muốn gọi anh là “nhạc sĩ ứng tác” cho thật chính xác với những ca khúc ra đời dưới tay anh. Nhiều khi ngồi quán với anh em, hứng lên, anh phổ nhanh một bài thơ thành ca khúc, nói theo kiểu bây giờ là “trong một nốt nhạc” hoặc ít hơn, vậy mà nghe cũng lâm li tù ti ra phết!
Tôi thì không phải là nhà thơ ứng tác, nhưng chơi với anh Hinh lâu, cũng “nhiễm”, và đã hơn một lần tôi làm thơ “tại chỗ” để anh Hinh phổ nhạc “tại trận”. Nhớ hồi đó anh Hinh viết thư cho tôi (anh Hinh có thói quen viết thư cho bạn bè, dù nhà hai chúng tôi chỉ cách nhau vài trăm thước), kể lại chuyện anh phổ bài thơ của nhà văn Phạm Thị Hoài (lúc đó còn làm thơ và ký tên Phạm Thị Hoài Nam). Bài thơ như vầy, cũng kiểu một bài thơ ứng tác: Có một buổi hoàng hôn/ Anh rủ em trốn nắng/ Có một ngày hạ trắng/ Anh rủ trốn heo may/ Có một người ăn mày/ Lại chối từ xôi gấc.
Tôi nghe lời thơ rất được bèn giục anh phổ nhạc, nhưng anh Hinh nói: Ngắn quá. Và nhờ tôi làm “lời hai”. Tôi viết đại luôn: Có một buổi bình minh/ Anh chợt thèm bóng tối… Tới đây thì tôi… bí. Anh Hinh lại buột miệng thốt: Có một nhà thơ nghèo/Quên hẳn mình khô túi. Thế là tôi nối được mạch bằng hai câu kết: Có một dòng sông đầy/ Thèm uống cho quên say. Anh Trần Hinh phổ nhạc lập tức bài thơ “hai lời” này, và anh hát lên bằng cái giọng khô đặc của mình. “Hay! Hay! Dzô!” Chúng tôi nâng ly, mừng một ca khúc ra đời. Ấy, anh Trần Hinh ứng tác là vậy! Phần tôi, thì hồi ấy rong chơi lêu lổng suốt ngày ngoài đường và trong các quán. Và làm thơ khá liều. Gọi tôi là nhà - thơ - đường - phố cũng đúng. Bây giờ đọc lại, tôi cũng không hiểu sao mình viết như thế. Nhưng đó là tuổi trẻ. Bây giờ thận trọng hơn nhiều, kín kẽ hơn nhiều, nhưng thơ lại không cần mấy thứ đó. Thơ cần liều một chút. Hồi trẻ, quả tôi có hơi liều.
* * *
Nhớ ngày đầu tiên gặp anh Trần Hinh ở cung đường từ TX Quảng Ngãi lên đập đầu mối Thạch Nham, anh là giám đốc đơn vị làm con đường 25 km này. Hồi ấy khó khăn lắm, và tôi gọi anh Hinh là “giám đốc dám đói” vì quả anh… đói thật. Rượu thì chỉ xơi mỗi món “thuốc rầy” rẻ tiền, mồi thì xoài cóc ổi ba vạ, cứ thế rượu vào… thơ ra, rượu vào… nhạc ra. Nghĩ lại, thấy cũng kinh! Nhưng vui, vui hồn nhiên, và không mắc nợ nhân dân vì anh Hinh không hề tham nhũng, dù trải qua nhiều “đời” làm giám đốc ở các cơ quan khác nhau. Có thể nhờ vậy mà âm nhạc của anh Trần Hinh hồn nhiên và trong trẻo. Anh viết như một nhạc sĩ dân gian, chủ yếu viết theo thể “hứng”. Cứ hứng lên là anh làm nhạc. Điều đó đâu có hại gì đến ai!
Chính mắt tôi đã chứng kiến anh Trần Hinh sáng tác hàng chục ca khúc “ngay tại chỗ”, mà chỗ đó thường là các quán cóc dọc hè phố Quy Nhơn. Có một nơi được coi là sang trọng nhất giữa những địa chỉ chúng tôi hay ngồi, đó là “Quán gió Phương Mai”, bên bờ biển. Tôi với anh Hinh, mỗi khi kiếm được tí tiền lại ra đó “Sai cháu lấy sáu chai” (không có mồi). Bia hồi đó khó, uống bia phải kèm mồi, nhưng quán ấy chúng tôi quen, nên các cháu miễn cho khoản mồi. Nhiều lúc uống đến chai bia thứ ba là anh Hinh… ra nhạc. Một ca khúc, thường là phổ thơ, của tôi hay của Từ Quốc Hoài. Ngày ấy dễ thương thật.
Một số tác phẩm thơ, nhạc của nhà thơ, nhạc sĩ Trần Hinh. Tư liệu của VIẾT HIỀN
Anh Trần Hinh là một nhạc sĩ ứng tác hồn nhiên, nhưng nhạc của anh chịu ảnh hưởng từ nhiều nguồn, trong đó có nguồn dân gian và nguồn bác học. Sinh thời nhà thơ - nhạc sĩ Văn Cao rất quý mến anh Trần Hinh, và quý mến luôn nhạc của anh. Chính bác Văn Cao đã đề lời bạt cho một tập sách nhạc anh Trần Hinh nhờ bạn bè (Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Trọng Tạo) in cho hồi đó. Bác Văn Cao khó tính hơn chúng tôi rất nhiều, không phải với ai bác cũng nhận viết lời tựa hay lời bạt.
Nhà thơ Nguyễn Đỗ, bây giờ đang sống ở Mỹ, hồi đó cũng là anh em đói khổ “chia đôi chai bia” với tôi và anh Hinh. Nhiều đêm, Nguyễn Đỗ phải lục lọi báo cũ của anh Trần Hinh để sáng hôm sau mang ra chợ bán, lấy tiền uống rượu. Có lần còn bán cả một chiếc lốp xe đạp anh Hinh được phân phối, cũng để uống rượu. Chúng tôi đã chơi với nhau như vậy đó, và tôi nghĩ, anh Trần Hinh có được tập sách nhạc “Lặng lẽ xanh” cũng vì anh sống như vậy, chơi như vậy và sáng tác như vậy.
Nhiều năm trước, anh Trần Hinh được giải B của Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu về một tập ca khúc. Đó có thể là giải thưởng giá trị đầu tiên và cuối cùng của anh Hinh. Khi ấy, nhà thơ Xuân Diệu đã qua đời từ hơn 30 năm trước. Sinh thời, Xuân Diệu rất thương quý anh Trần Hinh. Và anh Hinh coi Xuân Diệu như anh, một người anh kính yêu hơn cả ruột rà. Anh Hinh là vậy, “yêu ai cứ nói là yêu”, như anh đã từng yêu thương nhà thơ Phùng Quán, nhà thơ Hữu Loan. Hai ông nhà thơ này từng ở căn nhà tập thể thuộc Sở Giao thông Nghĩa Bình với anh Hinh “hết ngày dài lại đêm thâu”. Chỉ để uống rượu và bàn chuyện thơ văn.
Nay anh Trần Hinh đã nối bước những người anh văn nghệ đi trước như Xuân Diệu, Văn Cao, Hữu Loan, Phùng Quán, Hoàng Cầm… về Trời, sau nhiều năm đồng hành cùng bệnh tật và nỗi cô đơn.
Tôi chợt nhớ đến một người em “xã hội” thủy chung và thân thiết của anh Trần Hinh - anh Vũ Hoàng Hà. Ngày 14.4, tôi đang ở sân bay Tân Sơn Nhất chờ máy bay về Chu Lai thì nhận được điện thoại anh Vũ Hoàng Hà báo tin anh Trần Hinh sắp ra đi. Và khi tôi về tới Quảng Ngãi thì anh Vũ Hoàng Hà lại gọi điện cho tôi báo tin anh Hinh đã mất. Tôi đã mất một người anh, một người bạn thời đói khổ ở Quy Nhơn. Ngày ấy, chúng tôi đã chơi với nhau hồn nhiên và trong sáng biết bao nhiêu!
Vĩnh biệt Anh
“Mưa Thời Gian”
“Lặng Lẽ Xanh” *
Anh đi để lại long lanh nốt tình!
Hào hoa suốt cuộc nhân sinh
Đa tình tài tử hư vinh sá gì!
Chút tình xin tiễn anh đi
Mai kia mốt nọ nhớ thì chiêm bao!
HỒ THẾ PHẤT
THANH THẢO