Bộ đội Cụ Hồ
Hay tin Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, từng là Phó chính ủy, chủ nhiệm chính trị quân khu 5 thời tôi là một anh lính viết văn ở trại sáng tác quân khu 5, qua đời, lại được đọc bài viết của nhà văn Nguyễn Thế Khoa, Tổng biên tập tạp chí Văn hiến Việt Nam viết về ông đăng trên motthegioi.vn, tự nhiên tôi lại nghĩ về những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” như Thượng tướng Nam Khánh.
Hóa ra, một người chỉ huy được tiếng là “hiền lành như Bụt”, một người chân thành, không bao giờ “đao to búa lớn”, không bao giờ “chém gió” như Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, lại là một người có rất nhiều công tích. Mấy hôm nay, báo chí nói nhiều tới lữ đoàn dù đầu tiên và duy nhất, tiền thân của binh chủng đặc công huyền thoại của quân đội nhân dân Việt Nam cũng như những chiến tích bi tráng của nó, hóa ra, người thủ trưởng có công thành lập lữ đoàn dù lịch sử này là Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh.
Ông cũng từng là Phó chính ủy sư đoàn 304 hành quân vượt Trường Sơn vào Tây nguyên tham gia trận Ia Drang nổi tiếng-trận thắng đầu tiên của quân đội VN trước quân xâm lược Mỹ, từng là Chính ủy của sư đoàn 3 Sao Vàng khét tiếng của quân chủ lực Quân khu 5 ở chiến trường miền Nam, từng là…
Vậy mà có vài lần được gặp ông, tôi thấy ông thượng tướng đúng là “hiền như Bụt”. Với chúng tôi, những nhà văn ở trại sáng tác Quân khu 5, kỷ niệm chúng tôi nhớ về ông là bài nói chuyện thời sự của ông với chúng tôi năm 1977, khi đó ông gọi đế quốc Mỹ là “Bầy Hung nô thế kỷ”. Nghe rất ấn tượng!
Cho tới năm 2005, tôi được đọc một bức tâm thư Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh gửi Trung ương Đảng. Trong bức tâm thư đó, Thượng tướng Nam Khánh yêu cầu công khai xử lý nghiêm một số vụ vu cáo nhằm hãm hại một người anh cả mà toàn quân đều kính trọng, cũng như hãm hại một số người kháng chiến cũ có công với nước.
Về vụ này, tôi có được biết chút ít, nên vô cùng ngạc nhiên và cảm phục Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh. Hóa ra, một ông “Bộ đội Cụ Hồ” hiền lành ít nói như Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, khi cần bảo vệ chân lý, bảo vệ lãnh tụ của mình, đã can đảm và xả thân với tất cả tinh thần của một người lính từng dạn dày chiến trận.
Và bây giờ, Thượng tướng ra đi sau Người Anh Cả của mình (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đúng nửa tháng, ra đi một cách bình thản, nhẹ nhàng theo đúng cung cách một người lính, một “Bộ đội Cụ Hồ” đã hoàn thành nhiệm vụ trên trần thế.
Bây giở thì tôi đã hiểu: Bộ đội Cụ Hồ là như thế! Chúng ta đã từng có những thế hệ “Bộ đội Cụ Hồ” thật đẹp. Họ là những chiến binh và những con người đúng nghĩa cao đẹp nhất. Họ từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu đúng như lời một bài hát về họ. Họ nói ít, làm nhiều, không bao giờ khoe khoang chiến công, chiến tích, trong khi chiến công và chiến tích của họ là không thể tính hết. Họ biết khi nào thì cuộc chiến đấu cần tới họ, và sẵn sàng xả thân hy sinh không một lời hối tiếc. Xả thân trong thời chiến đã oanh liệt, nhưng xả thân trong thời bình vì những giá trị tối thượng của chân lý của công lý của lẽ phải và lẽ công bằng thì lại càng oanh liệt hơn.
Chúng ta vừa ngợi ca với lòng thương nhớ vô hạn Đại tướng Võ Nguyên Giáp-người chỉ huy của những “Bộ đội Cụ Hồ” nhiều thế hệ. Nhưng nếu không có hàng vạn hàng triệu những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” chiến đấu dưới ngọn cờ của Đại tướng và lặng lẽ hy sinh, chúng ta làm sao có được một đất nước thống nhất như bây giờ ?
Cứ nhìn vào một người lính thuộc thế hệ đầu tiên của “Bộ đội Cụ Hồ” là Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, có thể thấy những lấp lánh-lặng lẽ của biết bao người lính “Bộ đội Cụ Hồ” từ nhiều thế hệ.
Thanh Thảo