Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn:
Báo chí khắc phục tình trạng 'sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ'
“Việc Hội Nhà báo Việt Nam thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp các cấp từ Trung ương xuống địa phương, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời xử lý vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp... đã khắc phục tình trạng 'sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ' góp phần tạo chuyển biến mới trong hoạt động của Hội", ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nói.
Ông Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
Sáng 19.4, tại Cần Thơ, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động Hội Nhà báo Việt Nam năm 2018.
Ông Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, năm 2018 là năm thứ ba các cấp Hội triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam, năm thứ 2 thực hiện Luật báo chí và 10 điều Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam trong điều kiện nhiều thuận lợi nhưng cũng nhiều khó khăn, thách thức.
Trong năm, Hội Nhà báo Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận trên các lĩnh vực. Đồng thời, phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2019, các cấp Hội tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam với nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện tốt Luật Báo chí, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, chủ động đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, kiện toàn tổ chức Hội và đội ngũ người làm báo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.
Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, đến tháng 3.2019, Hội Nhà báo Việt Nam có 297 đơn vị trực thuộc, đồng thời các cấp Hội đã nghiêm túc quán triệt, giám sát và bước đầu thực hiện tốt việc quản lý hoạt động của đội ngũ phóng viên thường trú tại địa phương. Đồng thời, tổ chức 106 lớp học nghiệp vụ cho 2.890 lượt hội viên Hội Nhà báo trong cả nước.
Ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, năm qua, Hội đã có nhiều cố gắng trong công tác tập hợp, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, gương mẫu về đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.
Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trấn Tổ quốc Việt Nam.
"Nhiều nhà báo đã trở thành những tấm gương sáng, nỗ lực quên mình vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", ông Mẫn nói, đồng thời ông đánh giá cao vai trò, tính hiệu quả của Hội Nhà báo Việt Nam trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 về ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện ‘tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gắn với việc triển khai thực hiện Luật báo chí 2016 và 10 điều Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam.
Theo ông Trần Thanh Mẫn, việc Hội Nhà báo Việt Nam thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp các cấp Hội từ Trung ương xuống các địa phương; quy tắc sử dụng mạng xã hội; quản lý phóng viên, hội viên thường trú tại địa phương. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời xử lý vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp; bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên, nhà báo; tăng cường quản lý báo chí có hiệu quả, khắc phục tình trạng “Sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” góp phần tạo chuyển biến mới trong hoạt động của Hội. Nhiều nhà báo tiếp tục phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, không quản hiểm nguy, khó khăn, gian khổ, dũng cảm, xâm nhập thực tế, kịp thời đưa tin các sự kiện nóng, các vấn đề bức xúc, thiên tai, bão lũ… làm phóng sự điều tra về các vụ án hình sự, tham nhũng, tiêu cực.
Tuy nhiên, ông Mẫn cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động báo chí và Hội Nhà báo vẫn còn những hạn chế đó là một số cơ quan báo chí hoạt động, thông tin không đúng với tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng phục vụ, thông tin không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân; tình trạng chạy theo yếu tố thương mại, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, đưa tin một chiều, giật gân, câu khách.
Một số nhà báo viết bài thiếu tính xây dựng, thể hiện quan điểm tiêu cực trên mạng xã hội. Hơn nữa, một số văn phòng đại diện, phóng viên, hội viên thường trú và đội ngũ cộng tác viên hoạt động không đúng chức năng, nhiệm vụ, gây tác động xấu đến dư luận xã hội", ông Mẫn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Mẫn yêu cầu các cơ quan báo chí và người làm báo cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình, trong đó lưu ý các vấn đề trọng tâm như: Giữ vững định hướng chính trị, tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, nêu cao tinh thần cách mạng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân. Đồng thời, báo chí cần chú trọng tuyên truyền về mặt tốt, mặt tích cực, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, hướng người dân vào những giá trị chân, thiện, mỹ, xây dựng môi trường thông tin lành mạnh để lan tỏa những giá trị tốt đẹp tạo động lực tinh thần, thúc đẩy công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước ngày càng tốt đẹp hơn.
Ngoài ra, Hội Nhà báo Việt Nam cần phát huy hơn nữa vai trò là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo, không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, động viên, cổ vũ người làm báo hoàn thành tốt trọng trách của mình.
Theo HÒA HỘI (TPO)