Giá xăng tăng liên tiếp cùng với giá điện tạo áp lực tăng giá lớn
Giá xăng tăng mạnh liên tiếp cộng với giá điện tăng hồi cuối tháng Ba vừa qua đang tạo áp lực tăng giá lớn lên các mặt hàng tiêu dùng và cước vận tải.
Khách đến mua xăng tại cửa hàng xăng dầu số 85, Công ty xăng dầu khu vực I ở phố Nguyễn Văn Cừ, Gia Thụy, quận Long Biên, Hà Nội. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Trong tháng Tư này, giá xăng đã tăng mạnh 2 lần liên tiếp với tổng mức tăng khoảng 2.500 đồng/lít, tương ứng khoảng 14%.
Hiện giá xăng E5 RON92 ở mức tối đa 19.703 đồng; RON 95 là 21.235 đồng. Giá xăng tăng mạnh liên tiếp cộng với giá điện tăng hồi cuối tháng Ba vừa qua đang tạo áp lực tăng giá lớn lên các mặt hàng tiêu dùng và cước vận tải.
Ghi nhận tại các chợ dân sinh Hà Nội như Chợ Mơ, Chợ 8-3, Chợ Hôm… cho thấy, giá nhiều loại mặt hàng thịt, rau củ quả và thủy hải sản đã tăng ngay sau khi giá xăng tăng lần thứ hai.
Chị Hồng Ngân, đầu mối rau củ tại Chợ 8-3 cho biết, đa số các mặt hàng rau củ đều có mức tăng giá từ 2.000-3.000 đồng/kg so với hồi tháng Ba vừa qua. Cá biệt có những mặt hàng tăng từ 5.000-6.000 đồng/kg. Cụ thể, giá su hào 6.000 đồng/củ (tăng 2.000 đồng), củ cải trắng 17.000 đồng/kg, rau muống 15.000-18.000 đồng/mớ (tăng 2.000-3.000 đồng).
Tương tự với mặt hàng rau củ, chị Nguyễn Thị Hạnh, chủ quầy thịt bò tại Chợ Mơ cho biết, giá thịt bò ở mức 240.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg; thịt gà lông có giá 20.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg, cá chép giá 75.000-80.000 đồng/kg. Giá ốc nhồi hiện ở mức từ 95.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000-15.000 đồng/kg.
Các tiểu thương tại chợ cho biết, giá xăng tăng lần hai này với mức tăng khá mạnh, tổng cộng 2.500 đồng đã có tác động tới chi phí vận chuyển hàng tiêu dùng.
Nhiều đầu hàng từ các chợ đầu mối lớn đều đã tăng giá khi đưa hàng. Đặc biệt, tháng Tư này là thời điểm nghỉ Lễ Giỗ Tổ và kỳ nghỉ 30.4 và 1.5 tới, các mặt hàng sẽ càng có lý do để đẩy giá.
Giá xăng, dầu là yếu tố tác động lớn đến cấu thành giá cước vận tải. Do vậy, với mức tăng giá xăng tổng cộng 14% như vừa qua, chắc chắn các đơn vị vận tải sẽ phải chịu chi phí đầu vào tăng cao hơn nữa.
Đối với anh Nguyễn Hoàng An, lái xe tuyến Hà Nội-Nội Bài, giá xăng tăng lần thứ hai với mức hơn 14% có ảnh hưởng lớn tới thu nhập của mình.
Anh An cho biết mỗi tháng anh chạy hết 5.000km, tương đương 350 lít xăng và bằng khoảng hơn 7 triệu tiền xăng. Như vậy, với mức tăng giá xăng vừa qua, mỗi tháng, cánh lái xe sẽ phải chịu thêm khoảng gần 1 triệu đồng tiền xăng. Trong khi đó, giá cước là không thể tăng để bù vào.
Theo ông Đinh Văn Sáu, Chủ tịch Công ty Taxi Hương Lúa, hiện nay các hãng taxi, trong đó, có taxi Hương Lúa đều đã vào Liên minh taxi Việt, do vậy, mức cước hiện nay theo giá chung và khó có thể tăng giá.
Giá xăng tăng mạnh như vừa qua gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp, ngoài chuyện chi phí khấu hao cao, lương người lao động, giá xăng cũng là áp lực lớn. Đó là chưa kể những khó khăn trong cạnh tranh với các đơn vị “taxi công nghệ” như Grab. Đây có thể coi là giai đoạn rất khó khăn đối với ngành taxi trong nước.
“Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không tăng giá cước ngay lập tức theo giá xăng mà sẽ tiếp tục chờ những động thái tiếp theo của giá xăng dầu. Nếu giá xăng tiếp tục tăng mạnh, đơn vị sẽ có những tính toán để điều chỉnh phù hợp,” ông Sáu nói.
Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, giá xăng tăng lần thứ hai liên tiếp đã đẩy chi phí về giá xăng dầu của doanh nghiệp tăng cao hơn. Song, việc tăng giá cước vận tải là điều khó thực hiện ngay với các doanh nghiệp taxi, dù tác động của lần tăng giá này khiến doanh nghiệp ngành taxi giảm lợi nhuận tới hơn 30%.
Để tăng giá cước, các doanh nghiệp phải dừng hàng nghìn xe, hàng nghìn lao động phục vụ. Các chi phí để điều chỉnh cước như đồng hồ đo, bảng giá… cũng “ngốn” mất vài trăm nghìn/xe. Vì thế, mỗi lần điều chỉnh cước, doanh nghiệp cũng mất vài trăm triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam (VATA), cho biết giá xăng dầu là nguyên liệu đầu vào quan trọng hàng đầu cấu nên giá thành của các doanh nghiệp vận tải. Nếu xăng tăng giá, áp lực chi phí với các doanh nghiệp là không nhỏ.
Sau hai lần tăng giá xăng liên tiếp, ông Quyền cho biết các doanh nghiệp vận tải vẫn đang theo dõi rất sát sự biến động.
Thông thường, doanh nghiệp sẽ tính toán một mức giá cho cả giai đoạn 3-6 tháng. Mức tăng giá hiện tại mới chỉ là ngắn hạn và doanh nghiệp vẫn cầm cự được. Tuy nhiên nếu tiếp tục tăng giá, phải tính toán lại giá thành, và có thể phải tăng thêm.
Ngoài ra, với một số doanh nghiệp vận tải hàng hóa, đã ký hợp đồng vận chuyển từ 6-12 tháng, nếu giá xăng tiếp tục tăng, có thể phải đàm phán lại hợp đồng.
Không chỉ tác động trực tiếp tới cước vận tải và giá tiêu dùng mà với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, giá xăng tăng cũng tạo nên một áp lực không nhỏ.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho rằng giá điện và xăng tăng liên tiếp chắc chắn khiến cho hoạt động tiêu dùng của người dân và sản xuất của doanh nghiệp gặp khó. Ngành thép là ngành tiêu tốn nhiều năng lượng để sản xuất.
"Vừa qua, giá điện tăng khiến cho giá thép của nhiều doanh nghiệp buộc phải tăng thêm hơn 100.000 đồng/tấn. Với mức tăng của giá xăng, gánh nặng về chi phí đầu vào sẽ tăng hơn nữa, bởi ít nhiều cũng sẽ tác động tới các chi phí vận chuyển hàng,” ông Sưa nói./.
Theo Đức Dũng (TTXVN/Vietnam+)