Thực hiện Nghị định 67: Hiệu quả có, khó khăn còn
Việc triển khai thực hiện chính sách Nghị định 67/2014/NÐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, góp phần hiện đại hóa đội tàu cá, thúc đẩy phát triển ngành thủy sản tỉnh ta mang lại hiệu quả tích cực. Song, việc thực hiện chính sách này vẫn còn gặp không ít khó khăn.
Theo Sở NN&PTNT, thực hiện Nghị định 67/2014/NÐ-CP (NĐ 67), đến nay, ngư dân tỉnh ta đã đóng mới 48 tàu cá vỏ thép, 8 tàu vỏ composite, 5 tàu vỏ gỗ, nâng cấp 1 tàu cá vỏ gỗ. Hiện có 58/61 tàu cá (có 3 tàu bị chìm) đóng mới theo NĐ 67 đang hoạt động, trong số đó có 39 tàu hoạt động có lãi, 12 tàu hoạt động hòa vốn, 7 tàu hoạt động hiệu quả thấp đang nằm bờ.
Tàu cá vỏ thép BĐ 99169 TS của ngư dân Nguyễn Ngọc Châu, ở xã Cát Khánh (Phù Cát) chuẩn bị ra khơi.
Nhiều “tàu 67” hoạt động hiệu quả
Ngư dân Nguyễn Ngọc Châu, ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá vỏ thép BĐ 99169 TS, công suất 880 CV, làm nghề mành chụp, cho biết: “Tàu tôi đóng mới theo NĐ 67 trị giá gần 20 tỉ đồng, hoạt động từ tháng 4.2017. Làm được 20 chuyến biển, bình quân mỗi chuyến biển tôi thu lãi từ 200 - 300 triệu đồng và đã trả nợ vay được 1,7 tỉ đồng”.
Tháng 6.2017, ngư dân Trương Hoài Đức, ở xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ hạ thủy tàu cá vỏ composite BĐ 99992 TS đóng mới theo NĐ 67 tại Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), trị giá hơn 14 tỉ đồng, công suất 822 CV, làm nghề lưới vây ánh sáng. Qua 17 chuyến biển, bình quân thu nhập mỗi phần “bạn” từ 10 - 15 triệu đồng/người/chuyến biển. Anh Đức bộc bạch: “Chính sách của Nhà nước giúp ngư dân có điều kiện đóng mới tàu cá công suất lớn, thiết bị hiện đại để vươn khơi, nâng cao hiệu quả kinh tế. Thực hiện đúng cam kết, đến nay, tôi đã trả nợ vay cho ngân hàng với số tiền hơn 1,4 tỉ đồng”.
Sau thời gian dài nằm bờ vì hư hỏng, tàu vỏ thép BĐ 99016 TS, công suất 940 CV, của ngư dân Lê Văn Thãi (ở xã Cát Khánh) cũng đã sửa chữa xong, được chuyển đổi sang nghề mành chụp và hoạt động trở lại vào tháng 4.2018. Anh Thãi bộc bạch: “Sau khi chuyển đổi từ nghề lưới vây ánh sáng sang nghề mành chụp, tàu tôi hoạt động hiệu quả hơn. Sau 10 chuyến biển, tôi thu lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/chuyến. Nhờ đó, tôi cũng đã trả được nợ vay 700 triệu đồng”.
Tìm biện pháp “gỡ khó”
Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, tính đến hết tháng 2.2019, các ngân hàng thương mại trong tỉnh đã giải ngân cho 62 chủ tàu vay vốn 921 tỉ đồng. Tổng dư nợ cho vay tính đến hết tháng 1.2019 là 882,3 tỉ đồng; trong đó, có 44 chủ tàu nợ quá hạn gốc và lãi ngân hàng tổng cộng được 155,9 tỉ đồng.
Bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT - Chi nhánh Bình Định (Agribank Bình Định), cho biết: “Agribank Bình Định đã giải ngân 162,3 tỉ đồng cho 12 chủ tàu vay vốn theo NĐ 67. Tổng dư nợ tính đến hết tháng 3.2019 là 154,1 tỉ đồng. Bên cạnh các chủ tàu thực hiện trả nợ vay theo hợp đồng tín dụng đã ký kết, có một chủ tàu nợ quá hạn với số tiền 260 triệu đồng. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động chủ tàu trả nợ!”.
Theo ông Nguyễn Trà Dương, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Bình Định, đơn vị đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp, hỗ trợ ngành ngân hàng quản lý sản lượng đánh bắt và doanh thu của chủ tàu sau mỗi chuyến biển để có cơ sở đôn đốc các chủ tàu trả nợ vay theo đúng cam kết.
Còn theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngư dân trong quá trình phát sinh thực hiện chuyển đổi nghề khai thác, cùng các chính sách bảo hiểm thuyền viên, bảo hiểm thân tàu. Đồng thời, đề nghị chính quyền các địa phương phối hợp các ngân hàng thương mại theo dõi, giám sát tình hình sản xuất của các tàu cá vay vốn đóng mới theo NĐ 67 để hỗ trợ trả nợ cho ngân hàng theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Sở cũng sẽ phối hợp ngành ngân hàng xem xét việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tạo điều kiện cho ngư dân có tàu vỏ thép bị hư hỏng phải nằm bờ giảm bớt khó khăn.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN