ÔNG NGUYỄN TỰ CÔNG HOÀNG, GIÁM ĐỐC SỞ GTVT, PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC BAN ATGT TỈNH:
Bảo đảm trật tự ATGT là trách nhiệm của toàn xã hội
Ngày 10.4, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 12/NQ-CP ngày 19.2.2019 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự ATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 - 2021 trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Giám đốc Sở GTVT, Phó trưởng ban thường trực Ban ATGT tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Bình Ðịnh về các giải pháp đột phá nhằm tăng cường bảo đảm trật tự ATGT trong thời gian đến.
Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông. Ảnh: TRỌNG LỢI
* Thưa ông, công tác bảo đảm trật tự ATGT và chống ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh thời gian qua tuy đạt được nhiều kết quả nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần phải tiếp tục thực hiện để đạt được các mục tiêu ATGT bền vững?
- Có thể nói, công tác bảo đảm trật tự ATGT và chống ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh của lực lượng chức năng thời gian qua được thực hiện đồng bộ, quyết liệt và có hiệu quả. Vì vậy, đã góp phần quan trọng kéo giảm TNGT cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương từ năm 2011 đến nay. Tuy vậy, vẫn phải thấy rằng, TNGT tuy có giảm nhưng chưa bền vững; có thời điểm còn xảy ra nhiều. Phần lớn các vụ TNGT xảy ra có nguyên nhân trực tiếp là do ý thức chưa tự giác chấp hành các quy định pháp luật về trật tự ATGT của một bộ phận người dân. Sự quan tâm vào cuộc của một số đơn vị, địa phương các cấp có nơi, có lúc chưa đúng mức; sự chỉ đạo và huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và nhân dân tham gia công tác bảo đảm trật tự ATGT chưa được thường xuyên, do đó tình hình trật tự ATGT có lúc diễn biến phức tạp.
* Với mục tiêu hàng năm phấn đấu giảm TNGT trên địa bàn tỉnh tối thiểu từ 5% đến 10% trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương trong giai đoạn 2019-2021 như kế hoạch đề ra, cần phải có những giải pháp đột phá nào, thưa ông?
- Để thực hiện đạt mục tiêu này, theo tôi, trước hết cần phải tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 25.11.2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định (khóa XIX) và Kết luận số 45-KL/TW ngày 1.2.2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4.9.2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh; các Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia và các văn bản triển khai thực hiện của địa phương trong công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh. Tiếp theo là phải lồng ghép các mục tiêu ATGT, tránh ùn tắc giao thông trong các quy hoạch cấp tỉnh, cấp huyện, các dự án đầu tư tạo ra nhu cầu giao thông, vận tải lớn. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, trật tự đô thị, trật tự công cộng; kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân. Nâng cao năng lực, hiệu lực của lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức giao thông. Tăng cường đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông bảo đảm chất lượng gắn với duy tu, bảo đảm ATGT và khai thác có hiệu quả các công trình hạ tầng hiện hữu...
* Thưa ông, để tăng cường đảm bảo trật tự ATGT, việc nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT, xây dựng văn hóa giao thông trong mọi tầng lớp nhân dân là vô cùng quan trọng?
- Thời gian qua, công tác này đã được triển khai thực hiện quyết liệt, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia, thông qua nhiều hoạt động, như: tuyên truyền cảnh báo TNGT trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền hoạt động của lực lượng trực tiếp tham gia đảm bảo trật tự ATGT, gương người tốt, việc tốt, các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác đảm bảo trật tự ATGT; tuyên truyền trực tiếp đến người dân, học sinh, đoàn viên, hội viên, tài xế lái xe của các DN vận tải hành khách; lồng ghép hoạt động hỗ trợ quà cho các gia đình nạn nhân bị TNGT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… qua đó, đã mang lại hiệu quả tích cực.
Thời gian tới, để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông, với trách nhiệm được phân công, Ban ATGT tỉnh và Sở GTVT sẽ đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT đến tận phường, xã, thị trấn, tổ dân phố; tập trung tuyên truyền cho các đối tượng có nguy cơ gây TNGT, như: lái xe khách, người điều khiển xe mô tô, thanh thiếu niên trên địa bàn nông thôn. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm về vận động nhân dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT…
Bảo đảm trật tự ATGT là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội. Vì vậy, ngoài các đơn vị chức năng, vai trò của hệ thống chính trị và các hội đoàn thể đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT là hết sức quan trọng. Để tăng cường sự tham gia của các tổ chức này đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT, thời gian tới, Ban ATGT tỉnh sẽ đẩy mạnh các chương trình phối hợp bảo đảm trật tự ATGT với các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội như MTTQ, Sở GD&ĐT, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, LĐLĐ tỉnh...
* Xin cảm ơn ông!
MINH QUANG (Thực hiện)