Khuyến khích sử dụng điện mặt trời mái nhà
Khuyến khích người dân sử dụng điện mặt trời nhằm hướng tới mục tiêu tiết kiệm năng lượng và dùng năng lượng sạch là thông điệp của ngành điện nhân Ngày hội tiết kiệm điện 20.4 ở nhiều địa phương.
Hệ thống điện mặt trời tại đảo Bé, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: THANH TÙNG
Tại khu vực miền Trung, thời gian nắng trong ngày nhiều, tiềm năng tốt để phát triển điện mặt trời mái nhà nhưng số hộ gia đình lắp đặt không nhiều. Đó là thông tin đưa ra tại Hội thảo “Phát triển điện mặt trời trên mái nhà” do Tổng Công ty Điện lực miền Trung tổ chức tại thành phố Đà Nẵng chiều 19.4.
Đến tháng hai năm nay, khu vực miền Trung - Tây Nguyên có hơn 330 khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà đấu nối vào lưới điện quốc gia do Tổng Công ty Điện lực miền Trung quản lý, phân phối, với tổng công suất 2,1 MWp; trong đó Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã đầu tư lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại các trụ sở của Công ty Điện lực. Dự kiến, hết tháng 6 này, công suất điện mặt trời mái nhà đạt 7,2 MWp.
Ông Mai Văn Trung, Giám đốc phát triển dự án Tập đoàn Năng lượng mặt trời Bách Khoa, đơn vị đi tiên phong trong phát triển năng lượng áp mái cho biết: Sở dĩ điện năng lượng mặt trời chưa thật sự hấp dẫn đối với các cá nhân, hộ gia đình chủ yếu do công tác tuyên truyền, hướng dẫn chưa tốt, chưa làm cho người dân hiểu rõ về tiềm năng và hiệu quả của năng lượng mặt trời.
Các đơn vị ngành điện và các nhà cung cấp giải pháp, thiết bị, thi công lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà cần học tập cách làm ở các tỉnh phía nam và thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn đến tận tổ dân phố. Làm cho người dân tin tưởng và tích cực tham gia, vừa tạo nguồn năng lượng sạch, giảm chi phí sinh hoạt gia đình, vừa góp phần giảm nguồn lực đầu tư của nhà nước, doanh nghiệp cho hệ thống nguồn, truyền tải và phân phối điện.
* Tại Tây Ninh, trong Ngày hội tiết kiệm điện 2019 diễn ra vào sáng 20.4, Tổng công ty Điện lực Miền Nam (EVN SPC), thực hiện cơ chế khuyến khích các dự án điện mặt trời tại Việt Nam của Chính phủ, đơn vị đã chỉ đạo các công ty điện lực thành viên quyết liệt triển khai nhiệm vụ phát triển điện mặt trời áp mái năm 2019, đồng thời vận động các hộ gia đình, khách hàng trên địa bàn 21 tỉnh thành phía nam lắp đặt hệ thống này để góp phần bảo vệ môi trường, giảm chi phí tiền điện sinh hoạt hàng tháng cho các hộ dân và doanh nghiệp và giảm áp lực cung cấp điện cho ngành điện, nhất là những tháng cao điểm mùa khô. Theo ban Kinh doanh, EVN SPC, năm 2019, dự báo công suất phụ tải khoảng 11.570 MW, tăng gần 11% so với 2018; các đường dây truyền tải 500 kV vận hành ở chế độ đầy tải. Dự báo tình hình cung cấp điện cho các tỉnh, thành miền nam rất khó khăn, trong khi đó, việc phát điện bằng các nguồn nhiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt, nhưng nguồn năng lượng mặt trời lại rất lớn. Tại khu vực TP Hồ Chí Minh và miền nam, khi đầu tư lắp đặt 1 kWp sản xuất bình quân 3,8 – 3,9 kWh/ngày, tương đương 1.400 kWh/năm.
Theo đó, khi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu lắp hệ thống điện năng lượng mặt trời, khách hàng chỉ mất từ 4 đến 7 ngày kể từ ngày gửi yêu cầu lắp đặt sẽ được ngành điện thực hiện hoàn chỉnh. Với thời gian bảo hành 20 năm, nếu một hộ gia đình lắp đặt một hệ thống với tổng kinh phí từ 60-70 triệu đồng thì sau 5 năm sẽ hoàn vốn và sau đó hộ dân sẽ sử dụng điện từ hệ thống, ngoài ra, nguồn điện từ hệ thống này sẽ được ngành điện mua lại theo giá quy định. Tại Tây Ninh, địa phương có đến 2.400 giờ nắng trong năm sẽ là điều kiện rất thuận lợi để thực hiện việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái.
Dịp này, EVN SPC cũng tổ chức trao tặng hệ thống điện mặt trời lắp đặt trên mái cho Nhà Dưỡng lão Đường Quy Thiện (huyện Hòa Thành, Tây Ninh) có công suất 3kWp, giúp cơ sở giảm bớt chi phí sử dụng điện và góp phần việc tuyên truyền bảo vệ môi trường; trao tặng 10 xe đạp cùng học bổng cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Theo THANH TÙNG - QUANG QUÝ (Nhân Dân)