Giữ điệu chèo trên quê Nẫu
Từ các tỉnh đồng bằng Bắc bộ đến lập nghiệp tại Bình Ðịnh, những người con xa xứ vẫn thao thiết nhớ làn điệu hát chèo đặc trưng quê mình. Họ tìm nhau, quy tập lại và lập ra một đội hát chèo, để gặp gỡ, quây quần trong điệu hát “í i” và tình đồng hương ấm nồng.
Chuyện những người “tiên phong”
Nói về sự ra đời của “tao đàn” hát chèo này, công đầu thuộc về chị Đỗ Thị Thúy và gia đình anh Bùi Văn Quyến- những thành viên đầu tiên lập ra Đội chèo. Năm 2008, khi đang công tác tại Đoàn Nghệ thuật Quân khu 9, cô diễn viên chèo Đỗ Thị Thúy (quê xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) theo chồng về Bình Định. Chồng chị là anh Lê Tứ Trụ, một người con huyện Phù Mỹ, hiện công tác tại Huyện đội Vân Canh.
“Tôi tốt nghiệp lớp diễn viên chèo Trường Cao đẳng Sân khấu nghệ thuật Chèo Thanh Hóa, đi diễn cho Đoàn Chèo nhân dân Thanh Hóa được 4 năm thì chuyển sang công tác tại Đoàn Nghệ thuật Quân khu 9. Chuyên môn là diễn viên chèo, gần 20 năm gắn bó, nghề đã ăn sâu thành nghiệp, tuy phải bỏ ngang vì gia đình nhưng lòng lúc nào cũng nhớ. Về Quy Nhơn sinh sống, cơ duyên thế nào lại cho mình làm hàng xóm với một gia đình người Bắc yêu hát chèo”, chị Thúy kể.
Nhà chị Thúy ở trong một con hẻm nhỏ đường Thanh Niên, mỗi khi đi ngang qua ngôi nhà số 58 đường này, bước chân chị như bị níu giữ bởi tiếng hát chèo từ trong vọng lại. Chủ nhân ngôi nhà ấy, ông bà Bùi Văn Tẹo - Vũ Thị Mai và cậu con trai Bùi Văn Quyến (nguyên quán huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) là những người con đất Bắc nặng lòng với hát chèo. Họ nghe hát chèo mỗi ngày!
Từ mối đồng cảm này, chị Thúy, anh Quyến đã đánh tiếng với những đồng hương của mình, rằng ai yêu hát chèo, ai biết hát chèo thì đều đặn mỗi tuần 3 buổi, vào thứ 3, 5, 7, hội ngộ tại số nhà 58 Thanh Niên. “Nhất hô bá ứng”, ở Quy Nhơn, Nguyễn Thị Tuyết Mai, Nguyễn Thị Hà, Nguyễn Thị Xuân Lan (quê Hải Phòng), Nguyễn Thị Kim Long (Bắc Giang), Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Thị Hinh (Thái Bình), Nguyễn Đình Toan (Ninh Bình)… nhanh chóng về tụ hội. Tình yêu với hát chèo và hội ngộ đồng hương còn thôi thúc những người con đất Bắc sống ở các huyện trong tỉnh như bà Nguyễn Thị Nhung (ở Mỹ Đức, Phù Mỹ); ông Nguyễn Danh Xây (ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn); bà Vũ Thị Cẩm Tú (ở phường Đập Đá, thị xã An Nhơn)… vượt đường xa đến hòa chung điệu.
Quy Nhơn - Bình Định có hát chèo
“Có phường chèo với trên dưới 20 người, đủ nam và nữ, chúng tôi góp nhau sắm nhạc cụ, may trang phục và duy trì tập luyện, sinh hoạt. Chị Thúy là diễn viên chèo chuyên nghiệp nên hỗ trợ, hướng dẫn mọi người kỹ thuật hát. Chèo rất phổ biến ngoài Bắc, ngay trong đời sống hiện tại và mỗi chúng tôi đều thuộc lòng vài chục làn điệu chèo từ lúc nhỏ nên “bập” vào tập, hát rất nhanh và hứng khởi”, anh Bùi Văn Quyến cho biết.
Tại địa chỉ trên, các chiếu chèo thường xuyên được mở ra, nhất là những tối cuối tuần, tạo thành một không gian văn hóa rất riêng. “Phi trống bất thành chèo”, chiếc trống là nhạc cụ không bao giờ thiếu trong hát chèo, ngoài ra Đội còn có đàn bầu, đàn nhị, sáo và song loan; nhạc công và vũ ca không chuyên cùng nhiệt thành tập luyện, biểu diễn, tạo nên những buổi sinh hoạt hát chèo hấp dẫn, ấm cúng.
Theo chị Thúy, chèo là một bộ môn nghệ thuật rất kén giọng, kén người, kỹ thuật hát, múa và diễn xuất đều đòi hỏi người theo học phải thật sự đam mê, kiên trì. Nghệ thuật hát chèo có đến 360 làn điệu từ cơ bản đến phức tạp, trong đó thường được sử dụng 136 làn điệu. Trong khi thành viên Đội chèo hầu hết nghiệp dư nên dù rất cố gắng vẫn chỉ có thể hát được các làn điệu cơ bản, phổ biến như làn điệu chinh phụ, đào liễu, lới lơ, đò đưa, du xuân, tò vò, vãn canh, đường trường trong rừng, đường trường thu không, 5 cung, quân tử vô dịch… Có lẽ vì độ khó này mà “quân số” của Đội chèo qua các năm ít được bổ sung, thiếu hụt các gương mặt trẻ, nên chủ yếu vẫn biểu diễn các tiết mục đơn lẻ mà chưa đủ sức dàn dựng thành vở chèo có thời lượng dài. Đây là điều mà những thành viên tâm huyết của Đội canh cánh bên lòng.
Hôm tôi đến nhà, chị Thúy đang tất bật chuẩn bị phục trang cho buổi ghi hình ngoại cảnh trong một chương trình văn nghệ của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định; trước đó, chị và anh Quyến cũng đã hoàn thành phần thu âm. Chị bảo, đời mình may mắn, tưởng giải nghệ hẳn với hát chèo nhưng rồi lại được hát, được nhân đôi tình yêu với hát chèo cùng những người đồng hương và bạn bè quê chồng. “Đất Võ vốn nổi tiếng với nghệ thuật hát bội, hát bài chòi. Đội chèo của những người con xứ Bắc neo đậu tại miền đất lành, chúng tôi rất vui được góp thêm một loại hình sân khấu dân gian truyền thống đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc bộ, làm phong phú thêm đời sống văn hóa phong trào ở Quy Nhơn”, chị Thúy chân tình.
SAO LY