Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh lần thứ XV: Rộn rã sắc màu lễ hội
Sáng 20.4, tại khu vực tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh lần thứ XV ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, nhiều lễ hội dân gian rộn ràng của đồng bào Bana, H’re ở các huyện Hoài Ân, An Lão, Vĩnh Thạnh đã được tái hiện.
Diễn tấu cồng chiêng, múa xoang trong lễ cưới của đồng bào Bana huyện Hoài Ân.
Theo Ban Tổ chức, các địa phương đã thực hiện theo đúng yêu cầu đặt ra, chọn lọc giới thiệu (rút ngắn lại nhiều trong thời gian chỉ 20 phút) theo trình tự một nghi thức lễ hội truyền thống thể hiện đặc trưng văn hóa tín ngưỡng dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi ở địa phương.
Một nghi thức trong lễ cúng cầu mưa, thể hiện tín ngưỡng về sản xuất của đồng bào H’re huyện An Lão. Hằng năm, khi bước vào vụ sản xuất, trước khi cày bừa, xuống giống, người dân vùng cao nơi đây lại tổ chức cúng tại khu vực gần bờ suối, nhằm xua đuổi tà ma, cầu mong mưa thuận gió hòa, đủ nước tưới tiêu... để có một mùa vụ sản xuất thành công. Khi dân làng tập trung đông đủ, lễ vật được bày ra, trưởng làng mời rượu thầy cúng để bắt đầu thực hiện các nghi thức.
Trong lễ cúng cầu mưa của đồng bào H’re huyện An Lão, thầy cúng nhổ một ít lông trên cổ gà bỏ vào sạp, rồi cắt cổ gà cho máu nhỏ vào sạp đã trải lá cà-te, rồi khấn: “Hỡi thần mưa linh thiêng! Đã mấy con trăng đến rồi đi nhưng thần mưa không chịu cho cái nước mưa xuống để làng phải chịu khô hạn. Ruộng đồng nứt nẻ. Con trâu con bò không có cái nước để uống.... Hôm nay tôi mời thần đến ăn con gà, hãy ăn đầy đủ đi. Ăn xong xin hãy cho mưa xuống...”.
Huyện Vĩnh Thạnh đã huy động nhiều nghệ nhân am hiểu tham gia diễn tấu cồng chiêng trong lễ cúng thần núi của đồng bào Bana. Theo Nghệ nhân ưu tú Đinh Y Băng, bài chiêng đánh trong lễ cúng này là theo bài bản cổ xưa được truyền từ bao đời, đòi hỏi người đánh theo nhịp điệu nhanh hơn nhưng phải hòa hợp với nhau và cuốn hút người dân thêm tập trung nghe theo lời khấn của già làng.
Nghệ nhân Đinh Trung Thắng (làng M6, xã Vĩnh Hòa) đang thực hiện nghi thức cúng thần núi (yang kông) của đồng bào Bana huyện Vĩnh Thạnh. Ông khấn: “Có con gà trống này hướng về phía mặt trời mọc, thần núi nhìn rõ hơn mọi rừng cây, vạn vật trên núi. Báo tất cả cho các thần núi biết, hôm nay dân làng đến cúng các vị thần nuôi dưỡng, mong được sự phù hộ nhiều cho chúng tôi. Quay về phía mặt trời lặn, mong thần núi phù hộ cho mọi người giấc ngủ an lành...”.
Các lễ hội được dàn dựng theo hướng giới thiệu những giá trị tích cực cần được bảo tồn, phát huy trong lễ hội dân gian, loại bỏ yếu tố tiêu cực, lạc hậu, không phù hợp trong xây dựng đời sống văn hóa hiện nay. Ngoài sự nhiệt tình của các già làng, nghệ nhân, những diễn viên trẻ lần đầu được trực tiếp tham gia trong lễ hội đã thêm hiểu biết, bồi đắp ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
HOÀI THU